Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 6% so với cuối 2023. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã đạt chỉ tiêu cao theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là đến hết quý II/2024, phải đạt 5-6%.
Hồi cuối tháng 5, theo thông báo của NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5/2024 mới chỉ đạt 2,4% và đạt 3,79% tính đến ngày 14/6. Chỉ trong tuần cuối tháng 6, tín dụng tăng tới hơn 1,5%.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1-2%, song dự báo hết tháng 6 sẽ tăng 5-6%, nguyên nhân là các hợp đồng đã ký kết sẽ dồn dập giải ngân trong tháng 6. Như vậy, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng đã bơm hơn 800.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, riêng tháng 6 bơm ra hơn 480.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng giải thích, sở dĩ tín dụng có sự tăng trưởng bất ngờ trong tháng 6/2024 và dự kiến tăng mạnh trong nửa cuối năm là bởi nửa đầu năm, doanh nghiệp tập trung đàm phán, hợp đồng chủ yếu ký kết từ giữa năm, phần lớn các hợp đồng tín dụng lớn cũng được giải ngân trong nửa cuối năm.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, dự kiến đến hết 30/6, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%. Nghĩa là trong nửa cuối tháng 6, mức tăng trưởng đạt được gần ngang bằng trong hơn 5 tháng trước đó.
Tương tự, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng thông tin, đến hết 31/5, dư nợ tín dụng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,24% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, dự kiến đến hết 30/6, mức tăng trưởng có thể đạt 2,5%, tức là mức tăng trong tháng 6 bằng tổng mức tăng trong 5 tháng trước đó.
Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS Research), tăng trưởng tín dụng năm 2024 có thể đạt 14% với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 6,3%-6,5% cho cả năm. Cơ sở cho mức tăng này dựa trên kỳ vọng phục hồi của tài chính tiêu dùng, gia tăng thẻ tín dụng, tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao và nhu cầu vay mua ô tô lớn.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hiện ở mức thấp; tín dụng bất động sản cũng đã có dấu hiệu tích cực trở lại như tỷ lệ hàng tồn kho của các công ty bất động sản tăng nhẹ, số thu thuế liên quan đất đai tăng trưởng tốt hơn… Đây là động lực thúc đẩy cầu tín dụng tăng khả quan trong thời gian tới.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu vay vốn trong nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng qua ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023, riêng ngành chế biến - chế tạo tăng 8,67%.
Về xuất nhập khẩu, trong nửa đầu năm, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD), trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD).
Giới phân tích đánh giá, với đà tăng tốc huy động vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% cả năm của NHNN có thể hoàn thành.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định, dù room tín dụng đã được cấp cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, song NHNN sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống để chuyển từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để NHNN phân bổ phù hợp, nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng thì sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm tới.
Mặc khác, NHNN cũng nhắc nhở các ngân hàng về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà phải chú trọng chất lượng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng tín dụng không nên cứ tăng đều đặn ở mức độ 15%/năm, mà cần giảm dần. Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài - tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 5-6%/năm (cộng với lạm phát khoảng 4%/năm) trong khi tín dụng tăng 15% - thì tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn, trở thành “quả bom nổ chậm”, dễ tạo “bong bóng” đầu cơ tài sản.
“Ngay cả khi tín dụng năm nay không tăng trưởng 15%/năm thì cũng không đáng ngại, mà dần dần phải kéo giảm con số này, thay vào đó là phát triển các kênh huy động vốn khác, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.