Đến hết quý 2/2024, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt mức 5-6%

Phạm Minh | 07:24 01/06/2024

NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất, quyết tâm thực hiện thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6%.

Đến hết quý 2/2024, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt mức 5-6%
Liệu hết quý 2 có đạt được mức tăng trưởng tín dụng 5-6%?

Ngân hàng và doanh nghiệp “gặp nhau”

Sau khoảng 2 tháng các ngân hàng thương mại phải công khai mức lãi suất cho vay bình quân đã tạo ra cuộc cạnh tranh cung ứng vốn giá rẻ. Hiện, các ngân hàng đang cho vay khách hàng doanh nghiệp với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm, khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất 1-2 năm đầu, hay miễn lãi tháng đầu tiên.

Ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại được giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng. Vì thế, các đơn vị đã sớm xây dựng các chương trình vay vốn cho cả năm, thậm chí các gói vay "đo ni đóng giày" cũng đa dạng hơn, phục vụ nhu cầu của nhiều loại hình sản xuất mới.

Nhiều doanh nghiệp đã được “tháo nút” vay vốn với lãi suất hấp dẫn nên tăng cường sản xuất thêm các sản phẩm. Đơn cử như một doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản, nhờ vay vốn ưu đãi 5% đã mua thêm con giống, thức ăn, đầu tư thêm dây chuyền để tăng cường sản xuất sản phẩm kịp thời xuất khẩu vào cuối năm. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, từ hồi đầu năm được vay vốn ưu đãi nên dự kiến cuối năm đơn vị sẽ đáp ứng đủ cho đơn hàng của các đối tác nước ngoài ký kết. Không chỉ vậy, ông còn tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Về phía các ngân hàng, HDBank cho biết, theo chủ trương chính sách chung của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), HDBank xây dựng các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn, thấp hơn so với lãi suất thông thường mà các doanh nghiệp vay.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp này trong việc thực thi chủ trương, chính sách điều hành của Chính phủ, SHB cũng đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất tới 2,5%/năm với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện hữu, các gói vay ưu đãi chỉ còn từ 5,79%/năm với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM khẳng định, chính sách tiền tệ tín dụng cũng như môi trường kinh doanh tương đối tốt. Tác động để khơi thông dòng vốn là tác động vào các yếu tố động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu tăng trưởng kinh tế tốt từ đó cải thiện luân chuyển vốn trong nền kinh tế thì sẽ tác động ngược tới tăng trưởng tín dụng.

Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM các ngân hàng đã giải ngân hơn 200 nghìn tỷ đồng cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Biểu hiện định lượng nhất về tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong quý I/2024 với những nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, đã có những chuyển biến tích cực, dòng tiền đã thuận lợi thì tín dụng ở những nhóm ngành này cũng tăng trưởng.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đồng đều

Dù vậy, với kết quả như hiện nay thì ít nhất trong một tháng phải tăng trưởng tín dụng gấp 3 lần mới đạt yêu cầu đến hết quý II, tăng trưởng tín dụng đạt 5 - 6% theo Kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đòi hỏi quyết tâm rất lớn của ngành ngân hàng và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp.

Sự phân hóa thị trường tín dụng giữa các TCTD trong quí I/2024 dẫn đến bức tranh tín dụng rất khác nhau giữa các TCTD. Tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có vốn Nhà nước chi phối: BIDV tăng trưởng thấp, Vietcombank thậm chí tăng trưởng âm, trong khi đó tăng trưởng tín dụng tại VietinBank đạt 3,7% so với thời điểm ngày 31/12/2023 nhờ chiến lược cấp vốn bám sát chiến lược phát triển kinh doanh của khách hàng cũ và mới.

Ở nhóm NHTM cổ phần, nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp là nhóm có mức tăng trưởng khả quan nhất. LPBank và OCB là hai ngân hàng có mức tăng trưởng tích lũy tốt hơn so với quý I/2023. Tính đến cuối quý I/2024, dư nợ cho vay của LPBank đạt 308.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 11,7% so với cuối quý IV/2023. Các ngân hàng có khách hàng doanh nghiệp có đất phát triển như HDBank và Techcombank cho thấy mức tăng trưởng tích lũy đạt ở mức khá cao, lần lượt là 5,8% và 7,8%. Các ngân hàng này đã bám sát các cơ hội thành công từ chính các khách hàng doanh nghiệp nhờ vào việc linh hoạt thay đổi sản phẩm và dịch vụ.

ACB và Sacombank đã duy trì được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với quý I/2023, chủ yếu do các ngân hàng này đã thực hiện các gói vay sản xuất - kinh doanh ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có đầu ra tốt.

Các ngân hàng chuyên cho vay tiêu dùng như TPBank và VIB lại có mức tăng trưởng thấp hơn 1% do nhu cầu cá nhân vay mua nhà ở vẫn còn rất thấp ở thời điểm quý I/2024.

Mới đây, NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Theo đó, các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đến hết quý 2/2024, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt mức 5-6%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO