Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường thép Việt Nam sẽ phục hồi

Hải Hà | 13:21 19/09/2022

Giá thép vẫn giữ mức ổn định sau phiên tăng thứ 3 liên tiếp từ 31/8, tăng mạnh nhất gần 900.000 đồng/tấn, tổng mức tăng sau 3 lần liên tiếp là hơn 2 triệu đồng/tấn.

Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường thép Việt Nam sẽ phục hồi
Thị trường thép Việt Nam sẽ có những tín hiệu phục hồi

Thép Việt Nhật tăng lần lượt 880.000 đồng/tấn và 470.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại thép này lần lượt là 15,02 triệu đồng/tấn và 15,22 triệu đồng/tấn.

Tại miền Bắc, thép Hòa Phát điều chỉnh tăng 400.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, còn thép thanh vằn D10 CB300 giữ nguyên với 15,12 triệu đồng/tấn. Sau điều chỉnh, giá CB240 là 14,82 triệu đồng/tấn.

Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 lần lượt tăng 400.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.

Về thép Việt Đức, hai loại thép trên tăng 400.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn lên 15,12 triệu đồng/tấn và 15,63 triệu đồng/tấn.

Với thép Kyoei, giá CB240 và D10 CB300 theo thứ tự là 15,12 triệu đồng/tấn và 15,38 triệu đồng/tấn sau khi tăng lần lượt 480.000 đồng/tấn và 130.000 đồng/tấn.

Với thép Miền Nam, giá CB240 và D10 CB300 theo thứ tự là 15,43 triệu đồng/tấn và 15,83 triệu đồng/tấn sau khi lần lượt tăng 410.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn.

Về thép Thái Nguyên, hai loại trên là 15,2 triệu đồng/tấn và 15,66 triệu đồng/tấn sau khi tăng 580.000 đồng/tấn và 490.000 đồng/tấn.

Hiện tại, bán hàng thép phục hồi nhẹ sau 4 tháng giảm liên tiếp: nếu tính chung 8 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,2 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu thép đạt 4,5 triệu tấn, giảm 7%.

Trong khi bán hàng thép xây dựng và ống thép tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021, thì bán hàng HRC, thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu lại đi xuống.

Cụ thể 8 tháng đầu năm, bán hàng thép xây dựng đạt 8,7 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm gần 46% tiêu thụ thép cả nước. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,7 triệu tấn, tăng 31,5%.

Tương tự, bán hàng ống thép cũng tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2021 với 1,7 triệu tấn, chiếm 9% tiêu thụ thép.

Ở chiều ngược lại, bán hàng HRC chỉ 4,3 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22% tiêu thụ thép. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng này lao dốc 21%, còn hơn 730 nghìn tấn.

Mặt hàng thép cán nguội ghi nhận lượng bán hàng giảm 7%, xuống còn 1,5 triệu tấn, chiếm 8% tiêu thụ thép. Riêng xuất khẩu thép cán nguội đạt 395 nghìn tấn, giảm 8%.

Một mặt hàng khác cũng ghi nhận lượng bán hàng giảm mạnh là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Theo đó, bán hàng tôn mạ đạt 2,9 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 15% tiêu thụ thép. Riêng xuất khẩu tôn mạ giảm tới 26%, còn 1,5 triệu tấn.

Nhận định về thị trường thép từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho rằng, thị trường thép Việt Nam sẽ có những tín hiệu phục hồi sau khi trải qua một giai đoạn khó từ 11/5 đến hết tháng 8 vừa qua.

Dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.

Nhu cầu thép xây dựng kỳ vọng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.

Thực tế, thị trường thép đang chờ đợi những tín hiệu tích cực trong quý IV bởi theo thông lệ đây là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy mạnh tiến độ.

Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng việc nhu cầu quý IV có thể tăng hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi tồn kho vẫn còn cao, các nhà sản xuất cần thời gian để xử lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường thép Việt Nam sẽ phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO