Bức tranh lợi nhuận ảm đạm của doanh nghiệp ngành thép trong quý 2/2022

Thu Thủy - Dương Hùng | 09:01 17/08/2022

Theo số liệu từ báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2022 của 16 doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có một doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khả quan, có tới 11 doanh nghiệp suy giảm, thậm chí 4 doanh nghiệp báo lỗ.

Bức tranh lợi nhuận ảm đạm của doanh nghiệp ngành thép trong quý 2/2022
Bức tranh lợi nhuận vô cùng “ảm đạm” của các ông lớn ngành thép so với cùng kỳ.

Điều này cũng minh chứng cho nhận định về lợi nhuận ngành thép trong năm 2022 của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ( Mã CK: HPG).

“Quý cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Trần Đình Long chia sẻ với các cổ đông.

Cụ thể, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế lại giảm đến 59% so với quý 2 năm ngoái xuống còn 4.023 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng giảm lần lượt 24% và 27% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi ròng của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (Mã CK: SMC) cũng ghi nhận giảm hơn 91% so với cùng kỳ xuống còn 42,5 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của SMC đạt 123 tỷ đồng, giảm hơn 83% so với nửa đầu năm ngoái.

Kết thúc quý 2/2022, Công ty CP Thép Mê Lin (Mã CK: MEL) chỉ báo lãi sau thuế vỏn vẹn gần 1,7 tỷ đồng, giảm tới 93% so với quý 2/2021. Theo MEL, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp khiến doanh thu giảm, lợi nhuận cũng giảm.

Một “ông lớn” khác là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Mã CK: TIS) cũng báo lãi quý 2 giảm đến 90% so với cùng kỳ xuống còn gần 6 tỷ đồng dù doanh thu chỉ giảm 10% xuống 3.190 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 6.923 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 6% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 66% xuống 34,9 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế quý 2 của Công ty CP Gang thép Cao Bằng (mã CK: CBI) cũng giảm tới 88% xuống còn 17,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi ròng sau thuế của công ty chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2021.

execl.png

Lợi nhuận sau thuế ngành thép quý 2/2022 "lao dốc". Đặc biết, có tới 4 doanh nghiệp báo lỗ trong qúy này.

Đó là Công ty CP Thép Pomina (Mã CK: POM) báo lỗ sau thuế 62 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 127 tỷ đồng; Công ty CP Tập Đoàn Thành Thái (Mã CK: KKC) lỗ 23 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng), Công ty CP Thép Thủ Đức (Mã CK: TDS) lỗ 2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng); Tổng Công ty Thép Việt Nam – Công ty CP (Mã CK: TVN) lỗ 45 tỷ đồng (cũng kỳ lãi 496 tỷ đồng).

Doanh nghiệp sáng duy nhất ngành thép ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý 2/2022 là Công ty CP Ống thép Việt Đức VG PIPE (Mã CK: VGS) với lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

1-4105.png

VGS là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong quý 2/2022 của ngành thép.

Nguyên nhân các doanh nghiệp ngành thép “thê thảm” trong quý 2/2022 là vì đà giảm kéo dài của giá thép đã kéo tụt biên lợi nhuận của toàn ngành.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng dòng tiền, đồng thời, việc siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ góp phần làm chi phí tài chính đặc biệt là lãi vay tăng cao.

Thị trường thép thế giới sau khi tăng nóng trong quý 1/2022 thì sang đầu quý 2 giá các mặt hàng thép quay đầu và liên tục giảm mạnh. Diễn biến thị trường thép trong quý 2 thường xuyên biến động bất ngờ thậm chí trái chiều, trái thông lệ khi quay đầu giảm liên tục trong tháng 5 và tháng 6, đặc biệt giá thép phế, quặng sắt, than cốc và phôi thép giảm nhanh hơn giá bán thép thành phẩm.

Giá bán thép thành phẩm trong nước giảm chậm hơn so với thế giới do lúc này các nguyên liệu nhập khẩu giá cao từ quý 2/2022 đã về để dùng cho sản xuất nên giá thành cao. Còn phế liệu nội địa giảm nhanh và sâu hơn nhưng việc mua vẫn khó khăn, các bãi phế liệu hạn chế bán ra do giá bán thấp trong chi phí thu mua tăng.

Các ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng mở rộng lên khắp toàn cầu khiến lạm phát tăng tốc ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước trên thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng không có nhiều cải thiện khiến thị trường thép ngày càng khó khăn.


(0) Bình luận
Bức tranh lợi nhuận ảm đạm của doanh nghiệp ngành thép trong quý 2/2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO