Nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền đang dịch chuyển sang bất động sản

Hải Sơn | 14:40 02/04/2024

Khi lãi suất ngân hàng giảm, vàng và chứng khoán đều có những rủi ro bất thường thì nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền đang dịch chuyển sang bất động sản.

Nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền đang dịch chuyển sang bất động sản
Dòng tiền đang dịch chuyển sang bất động sản

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong suốt thời gian qua, xuống mức thấp lịch sử khiến lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu suy giảm.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Cùng với đó, nhiều tín hiệu cũng cho thấy thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào, đó là lãi suất huy động tại một số ngân hàng điều chỉnh tăng.

Cụ thể, 2 tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3 xuất hiện một diễn biến đáng chú ý trên thị trường huy động vốn khi có thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động như: VPBank, Eximbank, SHB, Saigonbank…

Động thái tăng lãi suất vừa qua là diễn biến hiếm thấy kể từ năm 2023 đến nay. Trong vòng một năm qua, các nhà băng đã liên tục giảm lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục. Năm 2023, mặc dù lãi suất thấp nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh và đạt 13,8 triệu tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử.

Mặc dù mức tăng lãi suất chưa phải là lớn nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện hiện tượng dư thừa tiền và thanh khoản tại ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước đó, các chuyên gia nhận định, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng đang ở mức kỷ lục (khoảng 14 triệu tỷ đồng), một phần trong số đó chực chờ cơ hội để chuyển hướng sang các kênh đầu tư có cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn.

Thực tế, nhiều người có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn tìm lời giải bài toán sinh lời cao hơn cho đồng vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, thậm chí tiếp tục đi xuống.

Hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng… đang có sự tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên và không loại trừ khả năng phần nào đó đang hút một lượng tiền đáng kể của nền kinh tế. Lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng cũng được dự báo sẽ dần phục hồi mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm 2024.

Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup, nhìn lại tháng 3, dòng tiền đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Theo đó, sự luân chuyển của dòng tiền nổi bật trong tháng 3 là bất động sản thay thế cho ngân hàng đã có sự hồi phục đáng kể với tỷ trọng 21,5%, vượt trội so với nhóm ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%). Ngoài ra, dòng tiền cũng tập trung nhóm bán lẻ, công nghệ thông tin với tín hiệu tích cực.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, từ sau Tết đến nay dòng tiền đang có sự dịch chuyển sang bất động sản. Điều đó được thể hiện, đây là “làn sóng” thứ 3 loại hình chung cư tăng giá kể từ cuối năm 2022, đẩy giá chung cư lên một mặt bằng giá mới. Hiện “làn sóng” nay đang giảm dần và tiếp nối sang đất nền/thổ cư. Bởi quan điểm của nhà đầu tư không để cho “tiền” chết, trong khi lãi ngân hàng thấp lạm phát không bù đủ, thì chỉ còn cách mua đất giữ tiền.

Chị Thuỳ Linh (khu đô thị Ngoại giao đoàn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, từ ngày lãi suất gửi ngân hàng thấp, chị đã rút hết tiền để đầu tư chung cư. Còn dư gần 2 tỷ đồng, chị đã xuống tiền đầu tư về Bắc Ninh cho phù hợp với tài chính hiện tại.

Trong một báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cũng cho thấy, tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại Hà Nội tăng 26%, tăng 15 điểm % theo quý và 12 điểm % theo năm. Còn tỷ lệ hấp thụ nhà ở tại TP. HCM cải thiện 14 điểm % theo quý và 23 điểm % theo năm để đạt 40%. Điều này thể hiện dòng tiền cũng đang dịch chuyển sang bất động sản.

Dự báo về sự chuyển dịch của dòng tiền tháng 4, chuyên gia FiinGroup cho rằng nhóm tiếp tục có dòng tiền duy trì là bất động sản và dầu khí. Thực tế, tỷ trọng dòng tiền trong 2 nhóm này đã tăng trở lại trong thời gian gần đây song vẫn cách khá xa so với đỉnh cũ.

Ngược lại, nhóm có rủi ro dòng tiền rút ra dự báo là chứng khoán, thép và ngân hàng. Riêng nhóm ngân hàng, dù dòng tiền hiện tại vẫn đang ở mức cao nhưng đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, hiện kinh tế vĩ mô còn đang khó khăn, tín dụng tăng trưởng thấp, đất nền ven đô và các tỉnh lân cận quanh Hà Nội đang ở thời điểm hạ nhiệt, nên thời gian tới khả năng thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên do dòng tiền đang chuyển hướng vào lĩnh vực này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều tín hiệu cho thấy dòng tiền đang dịch chuyển sang bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO