Nhiều ngân hàng muốn tiến sâu hơn vào mảng chứng khoán, tham vọng trở thành tập đoàn tài chính

Quang Hưng | 14:30 08/05/2023

Nhiều ngân hàng đang tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng chứng khoán theo hình thức M&A (mua bán – sáp nhập) nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, thực hiện tham vọng trở thành tập đoàn tài chính.

Nhiều ngân hàng muốn tiến sâu hơn vào mảng chứng khoán, tham vọng trở thành tập đoàn tài chính

Tại đại hội cổ đông năm nay, TPBank đã đệ trình kế hoạch mua lại một công ty quản lý quỹ. Theo ban lãnh đạo ngân hàng, việc mua lại công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ là nhu cầu tất yếu khách quan đối với TPBank và đảm bảo cơ sở pháp lý.

HĐQT TPBank tin tưởng rằng việc này sẽ giúp cho hoạt động của ngân hàng ngày càng phát triển vững mạnh, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đạt được mục tiêu chiến lược mà ĐHĐCĐ đã thông qua.

Trước đó, TPBank cũng đã "kết nạp’’ TPS vào hệ sinh thái và đưa người sang giữ các cương vị chủ chốt tại công ty này từ năm 2019. Không những vậy, TPBank cũng liên tục rót tiền trong các đợt tăng vốn ''khủng’’ vừa qua của TPS nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú đang giữ chức vụ Chủ tịch TPS.

“Hiện nay hệ sinh thái của TPBank có một công ty chứng khoán dưới dạng công ty liên kết. Năm nay chúng ta cũng có kế hoạch mua lại công ty quản lý quỹ. Việc mở rộng hệ sinh thái giúp ngân hàng trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu”, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết.

Với nguồn lực tài chính dồi dào sau 2 thương vụ bán cổ phần cho SMBC, VPBank cũng đang rất tích cực triển khai kế hoạch trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu.

Trong năm 2022, VPBank đã thâu tóm gần như toàn bộ vốn của Chứng khoán ASCS và đổi tên thành Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Sau đó, VPBank đã bơm thêm vốn cho công ty này, đưa vốn điều lệ lên mức 15.000 tỷ - trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

''Nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, 5 năm sau sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư và VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường này. Chúng tôi nhận thấy cơ hội cho ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp là rất lớn.", Lãnh đạo VPBank cho biết tại đại hội cổ đông năm 2022

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh, việc mua lại và đưa Chứng khoán ASCS trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của VPBank, giúp ngân hàng phát triển đa dạng các dịch vụ.

"Mua công ty chứng khoán là chủ trương chiến lược mà Ban lãnh đạo công ty đã quyết định đưa ra, nhằm quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư. Quyết định thoái vốn khỏi Chứng khoán VPS mà VPBank đưa ra 5 năm trước đây là hợp lý vào thời điểm đó, do khi đó vốn của ngân hàng không lớn, lại phải tập trung vào mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, vốn của VPBank rất dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư", ông Vinh chia sẻ.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 mới đây, Tổng Giám đốc VPBank cũng cho biết, dù mới ra nhập hệ sinh thái VPBank, song VPBank Securities đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng này. Với tiềm năng tăng trưởng của ngành chứng khoán, VPBank dự kiến lợi nhuận của VPBank Securities sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay.

Những năm gần đây, MB cũng tự xưng là MB Group bởi hệ sinh thái đa dạng của mình. Hiện MB sở hữu tới 6 công ty con hoạt động ở nhiều mảng khác nhau như: công ty mua bán nợ MB AMC, công ty chứng khoán MBS, công ty quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital), CTCP Bảo hiểm quân đội (MIC), công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, công ty Tài chính TNHH MB Shinsei.

Trả lời câu hỏi nhà đầu tư, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cũng nhiều lần khẳng định ngân hàng không có ý định thoái vốn tại MBS, vì đây là hạt nhân giúp MB hoàn thiện cấu trúc tập đoàn tài chính hàng đầu.

Đại hội cổ đông HDBank năm 2023 cũng đã thông qua phương án tham gia góp vốn, mua lại cổ phần một công ty chứng khoán.

Theo ban lãnh đạo HDBank, nền kinh tế đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đây là tiền đề rất tốt cho thị trường chứng khoán phát triển. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam mới đạt tỉ lệ hơn 6% dân số, còn rất thấp so với mức 10%-15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.

Ban lãnh đạo HDBank cho biết, việc mua lại một công ty chứng khoán sẽ giúp HDBank mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ, thông qua nhiều hoạt động mới như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản và các dịch vụ khác.

Thực tế, mở rộng hoạt động sang mảng chứng khoán là xu hướng chung của các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn tại các thị trường phát triển để đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng, đồng thời tối ưu hóa giá trị mang lại cho ngân hàng, cổ đông.

Tại Việt Nam, theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố vào năm 2022, có 10 ngân hàng thương mại sở hữu công ty chứng khoán để thực hiện hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng cấp phép cho một số TCTD tham gia thị trường chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật Chứng khoán.

Bên cạnh nhu cầu hình thành tập đoàn tài chính, việc nắm trong tay công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng trong hoạt động phát hành các loại giấy tờ có giá, đặc biệt trong bối cảnh đây là nhóm phát hành nhiều trái phiếu và cổ phiếu nhất thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều ngân hàng muốn tiến sâu hơn vào mảng chứng khoán, tham vọng trở thành tập đoàn tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO