Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh một số khu vực cho thấy tăng trưởng tín dụng trong quý I tại nhiều khu vực khởi sắc. Trong đó, tại Khu vực 1, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt khoảng 863.207 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng dư nợ trên địa bàn.
Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm. Đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3.998.000 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2024 và tăng 11,82% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ hai năm trước, lần lượt ở mức 0,96% và 1,25%. Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng 2,32% với tổng dư nợ ước đạt 4,61 triệu tỷ đồng.
Theo NHNN, quý 1/2025, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức tăng 1,42% vào cùng kỳ. Mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong quý I/2025 là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp. Trước hết, phải kể đến chính sách điều hành của NHNN đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Thay vì áp dụng cơ chế “giao chỉ tiêu” cứng nhắc, NHNN đang hướng đến cơ chế phân bổ linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại phát huy tính tự chủ, đồng thời kiểm soát rủi ro hệ thống.
Lãi suất cho vay trong quý I tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, dao động từ 6,7 - 9%/năm, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nền kinh tế. Các ngân hàng cũng tích cực triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, khuyến khích dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất thực, hạn chế các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ.
NHNN cho biết, hoạt động tín dụng tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu.
Chẳng hạn, các ngân hàng tại Hà Nội đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ đạt 400.132 tỷ đồng, tương đương 8,9% tổng dư nợ. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng tham gia tích cực các dự án đầu tư công quy mô lớn, qua đó góp phần thúc đẩy tín dụng trong lĩnh vực xây dựng. Còn tại TP.HCM, tín dụng cho các lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng, nông lâm nghiệp, vận tải kho bãi… đều có tốc độ tăng trưởng 1,5%.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research cho rằng, động lực sẽ đến từ nhu cầu nội địa, mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 16% trong năm nay của NHNN vẫn có thể thực hiện được. Theo ông Hưng, trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn. Nhưng hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công cũng được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, nhiều khó khăn trong lĩnh vực này đang dần được tháo gỡ khi Chính phủ tích cực điều chỉnh các quy định pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động và triển khai dự án. Nhiều dự án bất động sản đang được tái khởi động trở lại. Tuy nhiên, để kích thích nhu cầu tín dụng cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp công nghệ cao - nhóm có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới.