Nhiều chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực từ tháng 11

Hoàng Đàn | 10:04 31/10/2021

Từ tháng 11/2021, một số chính sách kinh tế có hiệu lực thi hành được các doanh nghiệp mong chờ như chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với nhiều hàng hoá dịch vụ theo Nghị quyết 406 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội…

Nhiều chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực từ tháng 11
Từ ngày 1/11 đến 31/12/2021 nhiều dịch vụ sẽ được miễn giảm thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp có 2 tháng được hưởng lợi

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 406 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 với nhiều quy định về miễn giảm thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng.

Nghị quyết 406 quy định, từ ngày 1/11 đến 31/12/2021 các dịch vụ sẽ được miễn giảm thuế giá trị gia tăng bao gồm: vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ; lưu trú; ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí (không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến).

Việc miễn, giảm thuế giá trị gia tăng tùy thuộc vào phương pháp tính thuế. Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỉ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

Thay đổi tiêu chí đánh giá doanh nghiệp Nhà nước

Từ ngày 3/11, Thông tư 77/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 200/2015/TT-BTC hướng dẫn nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực.

Hiện nay, doanh nghiệp xếp loại A khi không có kết luận về vi phạm cơ chế, chính sách một trong những lĩnh vực đầu tư, thuế,... hoặc bị nhắc nhở về việc thực hiện cơ chế, chính sách nhưng chưa đến mức bị xử phạt hành chính.

Với Thông tư 77 doanh nghiệp xếp loại A chỉ khi đáp ứng 2 điều kiện là trong năm đánh giá xếp loại, doanh nghiệp không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế đối với nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu và nhóm hành vi trốn thuế; Không bị hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 1 lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn.

Thông tư 77 cũng bãi bỏ nội dung quy định về chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Như đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế gồm: Điện, than, dầu khí, xi măng thì tính theo sản lượng sản phẩm tiêu thụ trong kỳ; Đơn vị để tính sản lượng của sản phẩm dầu thô là tấn, khí là m3, than, xi măng là tấn, điện là kwh.

Bãi bỏ nội dung quy định liên quan đến lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu như trường hợp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp chưa thực hiện phân phối trích lập các quỹ thì khi thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp phải cộng thêm số trích lập của Quỹ đầu tư phát triển theo vào chỉ tiêu vốn chủ sở hữu để làm căn cứ xác định tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu…

Đơn giản hoá thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu

Có hiệu lực từ ngày 20/11, Thông tư số 15/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo thông tư 15, một số thủ tục hành chính về cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu được thông thoáng hơn theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Như trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đề nghị cấp phép theo Cơ chế một cửa quốc gia thì chỉ cần gửi hồ sơ đến cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về thủ tục điều chỉnh Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái sản xuất sản phẩm, căn cứ hợp đồng điều chỉnh và các quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp phải ghi rõ lý do.

Trong trường hợp điều chỉnh thời hạn Giấy phép, thời hạn điều chỉnh được xác định căn cứ theo hợp gia công điều chỉnh và tối đa là 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy phép điều chỉnh. Trường hợp điều chỉnh khối lượng vàng nguyên liệu nhập khẩu, khối lượng điều chỉnh được xác định căn cứ hợp đồng gia công, phụ lục hợp đồng và kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của doanh nghiệp.

Quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Thông tư 15/2021/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2021.

Theo đó, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện tổng hợp nhu cầu sử dụng thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và có trách nhiệm giám sát, điều tiết việc cung cấp và sử dụng các thuốc đã được lựa chọn thông qua đàm phán giá theo thỏa thuận khung đã ký kết.

Riêng đối với thuốc kháng HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện giám sát, điều tiết việc cung ứng và sử dụng.

Không bắt buộc kiểm tra chuyên ngành với một số hàng hoá nông nghiệp xuất khẩu

Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT về bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có hiệu lực thi hành từ ngày 6/11/2021.

Như vậy, bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bao gồm 1.639 dòng hàng; Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan có 3 dòng hàng.

Tuy nhiên, một điểm mới là việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu chỉ được thực hiện theo đề nghị của doanh nghiệp, phục vụ việc thông quan hàng hóa tại nước nhập khẩu.

Như vậy, việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nông nghiệp xuất khẩu là không bắt buộc như trước đây.

Thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu

Từ ngày 1/11, Thông tư 71/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014, có hiệu lực thi hành.

Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa thành lập trước ngày 22/7/2016 được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ.

Nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu, tự tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện.

Nếu có thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa truy thu cho đến 1/11/2021.

Từ ngày 2/11/2021, những cơ sở chưa nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhiều chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực từ tháng 11
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO