Thủ tướng Kishida phát biểu tại cuộc họp với sự tham dự của các Bộ trưởng mới được bổ nhiệm và lãnh đạo doanh nghiệp, việc giá cả hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm, đang có "tác động rất lớn" đối với các công ty và người tiêu dùng.
Ông nhấn mạnh: "Bánh mỳ và mỳ sợi, được làm từ lúa mỳ, là những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều quan trọng là giá cả của những mặt hàng này phải ổn định."
Thủ tướng sẽ chỉ thị các cơ quan chức năng mở rộng hỗ trợ bằng cách đáp ứng nhu cầu của từng khu vực và thực hiện các biện pháp bổ sung tập trung vào các mặt hàng năng lượng và thực phẩm.
Giá năng lượng, nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng cao, phần lớn là do cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bao gồm các khoản trợ cấp nhằm giảm giá xăng bán lẻ.
Việc này sẽ hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng vì chi phí phân bón tăng cao và giữ cho giá lúa mì nhập khẩu không tăng vượt mức trước khi xảy ra cuộc xung đột hồi tháng 2 năm nay.
Bên cạnh đó, vào cùng ngày, Bộ tài chính Nhật bản công bố các số liệu thống kê mới nhất cho thấy nợ công của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới.
Cụ thể, vào cuối tháng 6 vừa qua, tổng dư nợ nợ công của chính quyền trung ương là hơn 1,255 triệu tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay.
Như vậy, với dân số tính tới ngày 1/7 là khoảng 124,84 triệu người, nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản là 10,05 triệu yen/người.
Tổng dư nợ nợ công (bao gồm trái phiếu chính phủ, hối phiếu tài chính và các khoản vay nợ) tăng 13.885,7 tỷ yen so với thời điểm cuối tháng 3/2022 (tức là cuối tài khóa 2021), trong đó dư nợ hối phiếu tăng 24.299,9 tỷ yen lên 110.498,8 tỷ yen, còn dư nợ trái phiếu lại giảm 7.075,9 tỷ yen xuống còn 984.335,3 tỷ yen.