Hướng đến thị trường trăm tỉ USD
Sáng ngày 15/7, tại KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), Ban quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội đã chính thức trao chứng nhận đầu tư cho Công ty Onaga, doanh nghiệp CNHT chuyên cung ứng cho các ngành hàng không, vũ trụ, ô tô, máy nông ngư nghiệp, chế biến chế tạo công nghệ mới thực hiện dự án đầu tư nhà máy giai đoạn I.
Nhận định về quyết định đầu tư của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hàng đầu Nhật Bản vào Việt Nam, ông Lê Quang Long, Trưởng ban quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội cho rằng việc Công ty Onaga chính thức đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam chính là bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản mà Chính phủ hai nước đã đề ra.
Được biết, trước đó, vào tháng 11/2021, trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản, khu công nghiệp Hanssip đã ký hợp đồng thoả thuận với công ty Onaga và đại diện nhóm các doanh nghiệp vùng Kobe - Nhật Bản, và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy bay, sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ - máy bay - tàu biển - tàu shinkansen - ô tô, thiết bị nông ngư nghiệp, chi tiết robot, các sản phẩm cơ khí chính xác công nghệ cao và CNHT.
Bày tỏ quan điểm về việc đầu tư nhà máy CNHT của công ty Onaga tại Hà Nội, ông Matsumoto Izumi, Bí thư thứ nhất Đại sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như điện tử, ô tô, cơ khí chế tạo,… là các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ mà Chính phủ Việt Nam kêu gọi thu hút đầu tư.
Về phía nhà đầu tư, ông Onaga, Chủ tịch Công ty Onaga cho biết quyết định đầu tư tại HANSSIP nhằm hướng đến thị trường CNHT rất tiềm năng tại Việt Nam.
“Hiện nay thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng. Hiện nay hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tỉ USD linh kiện các loại ô tô, xe máy, máy móc các loại” ông Onaga nhận định.
Bên cạnh việc trao chứng nhận đầu tư nhà máy cho Công ty Onaga, tại sự kiện diễn ra sáng 15/7 tại KCN Hanssip cũng đã diễn ra Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển CNHT Việt Nam - Nhật Bản (IDS Co.,Ltd).
Được biết, Công ty IDS được ra đời bởi hai đối tác Onaga Nhật Bản và N&G Group Việt Nam với mục tiêu cung cấp uỷ quyền, chứng chỉ sản xuất toàn cầu của Onaga và doanh nghiệp Nhật Bản, tư vấn, hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý, trình độ, năng lực, chứng chỉ sản xuất, máy móc thiết bị, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hà Nội và Việt Nam có nhu cầu tham gia cung ứng sản phẩm CNHT vào chuỗi sản xuất của Nhật Bản và toàn cầu.
Ngay sau đó, các doanh nghiệp có liên quan đã ký hợp đồng, thoả thuận hợp tác tư vấn hỗ trợ, chuyển giao công nghệ giữa Onaga - Công ty IDS với nhóm các doanh nghiệp sản xuất CNHT Việt Nam đợt 1 gồm: Công ty CP Sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema), Công ty CP Bách Liên (VietMRO), Công ty CP xây lắp và thiết bị công nghiệp Mekamic, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC, Công ty TNHH Cơ điện Lê Minh…
Chìa khóa để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng.
Cụ thể, theo báo cáo chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp tại Việt Nam, được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD công bố mới đây cho thấy trong nhiều năm qua, mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa trên thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu. Một trong những kết quả của cách tiếp cận này là Việt Nam đã tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, việc tham gia mới chủ yếu ở mắt xích đơn giản, tức là nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào trung gian, sau đó lắp ráp trong nước và xuất khẩu. Hàm lượng sản xuất nội địa trong hàng xuất khẩu quốc gia do đó thấp, cho thấy Việt Nam không hưởng thụ được đầy đủ sự lan tỏa tri thức cũng như chuyển giao công nghệ.
Theo đó, các chuyên gia đến từ OECD cho rằng để thúc đẩy sự phát triển cả về chất và lượng của ngành CNHT trong nước rất cần thiết có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết của các nhà cung ứng trong nước và vai trò điều phối tích cực của chính phủ.
Chia sẻ quan điểm trên, phát biểu tại sự kiện đầu tư nhà máy CNHT của công ty Onaga tại KCN Hanssip, ông Lê Qúy Khả, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CNHT Hà Nội bày tỏ mong muốn Chính phủ, các cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đưa ra các chính sách phù hợp hơn nữa cho giai đoạn hiện tại và tương lai để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau hợp tác phát triển CNHT Việt Nam, chiếm lĩnh thị phần hàng trăm tỷ USD linh kiện phải nhập về Việt Nam hàng năm và tiến tới tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về định hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT, ông Matsumoto Izumi, Bí thư thứ nhất Đại sứ Quán Nhật Bản cho rằng để nâng tầm hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước sâu rộng hơn nữa, cần hình thành chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa để cung cấp các linh kiện trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, dập đúc v.v.. cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam.