Vừa qua, Chính phủ đã gửi Quốc hội Tờ trình Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi số 307/TTr-CP kèm theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
Trong Tờ trình trên, Chính phủ đã nêu ra 05 vấn đề xin ý kiến Quốc hội, trong đó có nội dung nhận được rất nhiều ý góp ý, tranh luận thời gian qua là quy định về “các trường hợp Nhà nước thu hồi đất”.
Liên quan đến câu chuyện xác định các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nói trên, chia sẻ với MarketTimes, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng quy định về các dự án do Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật đất đai sửa đồi cần xem xét và tính toán từ gốc rễ của vấn đề là câu chuyện lợi ích.
MarketTimes: Thực tế cho thấy, khiếu kiện đất đai liên quan đến các dự án có sử dụng đất thường xuất phát từ việc người dân không đồng tình với mức giá đề bù. Giáo sư có nhận định gì về thực trạng trên?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Sự thực mà nói, đây không phải câu chuyện mới, thực tế này ai cũng biết, cũng thấy, nhưng sau nhiều lần sửa đổi Luật Đất đai thì thực trạng đáng buồn trên vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn có phần ngày càng phổ biến.
Khi Nhà nước thu hồi đất với giá theo quy định tại Bảng và khung giá đất, người dân thường sẽ nhìn vào việc mình chỉ được bồi thường ít, mà doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi xây dựng dự án lại bán đất với giá gấp nhiều lần và dẫn tới bức xúc, khiếu kiện.
Chẳng hạn việc người dân thường khiếu nại về các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế như đấu giá đất, xây dựng khu đô thị khi thấy Nhà nước vừa bồi thường cho họ chỉ khoảng 1 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp nhưng sau đó chủ đầu tư lại bán lại đất ở với giá hàng trăm triệu/m2. Trong trường hợp này, người dân đang thấy mình bị thiệt quá nhiều trong khi cuộc sống thì lại long đong, sinh kế eo hẹp hơn.
Trong câu chuyện này, tôi cho rằng lợi ích chính là nguồn gốc của vấn đề, người dân khiếu kiện vì cho rằng lợi ích của mình không được đảm bảo liên quan đến việc xác định đâu là dự án do Nhà nước thu hồi đất và đâu là dự án mà doanh nghiệp chủ đầu tư phải thỏa thuận mức giá đền bù với người có đất bị thu hồi.
Còn bản thân các cơ quan Nhà nước đứng ra thu hồi đất khi xác định dự án do Nhà nước thu hồi đất thì họ cũng phải tuân thủ những quy định trong việc xác định giá đất bồi thường.
MarketTimes: Vậy những quy định trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi liên quan đến các trường hợp Nhà nước thu hồi đất liệu đã giải quyết được “khúc mắc” trên, thưa Giáo sư?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng về cơ bản, nội dung của những quy định trong Dự thảo về vấn đề này là không có gì mới, tính minh bạch của pháp luật vẫn chưa thật sự đầy đủ.
Trong khí đó, Nghị quyết 18 của Trung ương ban hành đã đặt ra yêu cầu làm rõ ngữ nghĩa của cơ chế đầu tư phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Điều đó có nghĩa rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải xác định và làm rõ được điều này một cách toàn diện, bao quát nhất chứ không nên liệt kê một loạt các loại dự án ra.
Nếu liệt kê như vậy thì là tư duy mang tính "tĩnh", không "động" khiến Luật mới sẽ có thể rất nhanh chóng bị lạc hậu so với thực tiễn.
MarketTimes: Vậy theo Giáo sư, tư duy "động" trong quy định về Nhà nước thu hồi đất nên được tiếp cận ra sao?
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Chúng ta đều biết, cơ chế thu hồi đất đã được đưa vào Hiến pháp, theo đó Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, đầu tư phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đáng lẽ khi Hiến pháp đã ghi như vậy thì Luật đất đai sửa đổi cần làm rõ nội hàm của các khái niệm trên.
Dự án an ninh, quốc phòng thì đã rõ, còn thế nào là dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì sự thực mà nói người dân vẫn chưa hiểu được.
Để giải thích khái niệm trên, nếu liệt kê một loạt loại dự án nói trên thì người dân rất khó để hiểu thế nào là dự án cần ưu tiên, quan trọng.
Tôi cho rằng chúng ta cần trọng điểm về vấn đề lợi ích khi xác định khái niệm thế nào là dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.
Các dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà có mục tiêu lợi nhuận thì phải làm rõ lợi nhuận tư nhân có gắn với lợi ích quốc gia công cộng hay không thì mới là các dự án thuộc phạm vi Nhà nước thu hồi đất như quy định của hiến pháp. Khi lợi nhuận của dự án có lợi nhuận quốc gia gắn với lợi nhuận của chủ đầu tư bỏ tiền ra thì là các dự án vì lợi ích quốc gia công cộng
Còn nếu dự án chỉ đơn thuần là dự án vì lợi ích của chủ đầu tư thì tất nhiên doanh nghiệp phải tự “chèo chống”, thỏa thuận với các nhân, tổ chức có đất để làm dự án.
Tóm lại, lợi ích là gốc của vấn đề, mọi tranh chấp đều bắt dầu từ lợi ích, đó cũng là vấn đề mà Luật Đất đai sửa đổi tới đây cần giải quyết một cách hài hòa nhất.
MarketTimes: Xin cảm ơn Giáo sư!