Nhà mặt đất "hưởng lợi" trước đề xuất chung cư có thời hạn

Thanh Phong | 07:54 22/09/2022

Trước thông tin Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, có phương án chung cư có thời hạn sở hữu xác định theo thời hạn của công trình. Theo đó, một số người mua nhà có điều kiện chuyển hướng sang mua nhà đất.

Nhà mặt đất "hưởng lợi" trước đề xuất chung cư có thời hạn
Ảnh minh họa.

Người mua nhà “quay xe” mua nhà đất

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã đưa ra 2 phương án liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đưa ra 2 phương án: Bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; Hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay – nghĩa là không quy định niên hạn.

Đáng chú ý, tại phương án 1, Bộ Xây dựng chọn phương án quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư theo pháp luật về xây dựng. Theo đó, tại Chương 2 về Sở hữu nhà ở có Mục 4 quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư bổ sung phương án mới về: Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.

Bộ Xây dựng đề xuất Điều 27: “Thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà chung cư đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà chung cư, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư trong hồ sơ thiết kế”.

Trước thông tin trên, đối với những người có tâm lý “ăn chắc mặc bền” đã chuyển sang mua nhà đất. Đơn cử, anh Phạm Hùng Cường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2022, thấy có thông tin đề xuất chung cư có niên hạn sử dụng nên dù đã tìm được căn chung cư ưng ý những anh vẫn chuyển sang tìm mua nhà đất.

“Ý định mua nhà của gia đình tôi có từ năm 2021, đến đầu năm 2022, tôi tìm được một căn chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, ngay lúc đó có thông tin về việc đề xuất chung cư có niên hạn. Dù chưa biết có được áp dụng hay không nhưng tôi cũng dừng không mua chung cư quay sang tìm nhà đất”, anh Cường nói.

dji-0630-7790.jpg

Theo anh Cường, gia đình anh có khoảng 3 tỷ đồng, nếu mua nhà đất gia đình anh cũng phải có trong thay 5 tỷ đồng mới có thể sở hữu. “Bây giờ vay ngân hàng sẽ chờ lâu, nên tôi cũng huy động vay từ bạn bè và nhờ gia đình bố mẹ 2 bên hỗ trợ nên đã đủ và đặt cọc ngay một căn nhà rộng  50m2, 5 tầng tại Mỹ Đình.

Dù mua thế này hơi quá sức so với vợ chồng tôi, nhưng mua nhà trong ngõ cũng có cái hay vì nhà đất vẫn có tiềm năng tăng giá lâu dài”, anh Cường nói.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nay gia đình chị cũng đang tìm mua nhà. Tuy nhiên, từ thông tin đề xuất chung cư có niên hạn sử dụng, vợ chồng chị đã bàn bạc quyết định tìm mua nhà đất trong ngõ.

“Niên hạn vài chục năm chưa chắc gia đình tôi đã ở đến lúc hết hạn đâu. Nhưng mua nhà ngoài việc sử dụng, tôi nghĩ đây là tài sản lớn tích lũy cả đời. Nên tôi và chồng bàn bạc tìm nhà đất. Sau này nếu có điều kiện tôi cũng sẽ mua chung cư để ở vì cảm giác cuộc sống sẽ được hưởng thụ hơn. Còn bây giờ, đây là căn nhà đầu tiên của gia đình nên dù chưa biết luật có được áp dụng hay không nhưng nhà đất dù đắt nhưng có giá trị lâu dài hơn chung cư”, chị Quỳnh nói.

Theo chị Quỳnh, hiện gia đình chị đang có ý định mua căn nhà rộng 40m2, nằm ở mặt ngõ 3m tại Cầu Giấy với giá 4,5 tỷ đồng, tương đương hơn 112 triệu đồng/m2.

Theo anh Thanh Tùng, chủ phòng môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, cũng có một số người thấy thông tin đề xuất chung cư có thời hạn đã tạm dừng việc mua căn hộ trong thời điểm này hoặc chuyển hướng mua nhà đất.

“Với những trường chuyển hướng mua nhà đất đa phần là những người cũng có mức thu nhập ổn định và cao. Họ cũng có sẵn tiền nên mới có thể chuyển hướng ngay sang tìm nhà đất, bởi giá nhà đất dù trong ngõ cũng có phần cao hơn giá chung cư”, anh Tùng nói.

Thanh khoản thị trường căn hộ bị ảnh hưởng

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, xét về góc độ xã hội học, việc quy định thời hạn của các dự án chung cư có thể hỗ trợ phần nào quá trình di dời người dân sinh sống tại các chung cư xuống cấp tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, đảm bảo an toàn cho người dân. Như vậy, có thể thấy đề xuất này cũng mang đến mặt tích cực ở góc độ về quản lý.

edit-du-an-diamond-flower-tower-handico-6-1-1655740444954-16571270884001290193524-1-.jpeg

Tuy nhiên, về quy hoạch tại các đô thị lớn, chung cư là lời giải được áp dụng trên toàn cầu cho bài toán về nhà ở với những đô thị nén. Nếu đề xuất này được đưa vào thực tế, người dân có thể sẽ không ở thành phố mà chuyển sang các khu vực có bất động sản liền thổ để tối ưu nguồn tài chính mình chi trả.

"Bất động sản luôn được hiểu là tài sản có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu đề xuất này được áp dụng, trong tương lai có khả năng dẫn đến xu hướng người dân sẽ không chọn chung cư mà chuyển sang mua nhà phố hoặc các đơn nguyên ở ngoài để đảm bảo giá trị lâu dài của tài sản. Do đó, điều này sẽ khiến tính thanh khoản của thị trường căn hộ sẽ bị ảnh hưởng", ông Khương nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội phân tích, chúng ta trước nay vẫn có tư duy “ăn chắc mặc bền”, nên nhà là tài sản lớn và được sở hữu lâu dài, nhưng theo thời gian sử dụng chung cư sẽ xuống cấp. 

Trong khi, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay rất nhanh, cùng đó là mức sống của người dân được đòi hỏi cao hơn từng ngày. Do đó, những khu đô thị cũ hết niên hạn cũng cần được cải tạo, xây mới. Điều này, đảm bảo được sự an toàn cho người dân cũng như làm đẹp bộ mặt đô thị.

Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, quy định thời hạn sử dụng chung cư là cần thiết, bởi điều này góp phần chỉnh trang đô thị, khi chung cư đã xuống cấp. Bên cạnh đó, trong khi giá chung cư liên tục leo thang như hiện nay thì việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ góp phần kéo giảm giá căn hộ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nhà mặt đất "hưởng lợi" trước đề xuất chung cư có thời hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO