Trong cuộc họp cổ đông thường niên vừa diễn ra của Berkshire Hathaway, huyền thoại đầu tư Warren Buffett cúi đầu chào các cổ đông như thường lệ. Tuy nhiên, đây có lẽ là lần cuối cùng ông làm điều đó trên cương vị CEO công ty. Trong sự kiện vốn đã rất quen thuộc với các nhà đầu tư suốt nhiều thập kỷ qua, vị tỷ phú 94 tuổi cho biết ông sẽ từ chức CEO vào cuối năm nay sau 60 năm nắm quyền.
Người kế nhiệm được lựa chọn là Greg Abel, Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway Energy - một cá nhân đặc biệt nổi bật. Tuy nhiên, với Berkshire Hathaway, với Phố Wall – và có lẽ cả với giới đầu tư toàn cầu, không ai có thể giống như Buffett.

Warren Edward Buffett sinh ra trong một điều kiện khá thuận lợi. Ông là con trai của một người làm trong ngành đầu tư, sau này trở thành nghị sĩ. Buffett có thể được xem là một “nepo baby” (người nổi tiếng nhờ gia đình) của những năm 1950, bắt đầu sự nghiệp vào năm 1951 với vai trò nhân viên bán hàng tại Buffett, Falk & Co., công ty đầu tư của cha ông.
Sinh ngày 30/8/1930 tại Omaha, Nebraska, Buffett là con trai duy nhất của bà Laila và ông Howard Buffett - một nghị sĩ Hoa Kỳ. Buffett kết hôn với người vợ đầu tiên, Susan, vào năm 1952 và có ba người con: Peter, Howard và Susan. Ông mất vợ vào năm 2004 và sau đó tái hôn với bà Astrid.
Buffett thành lập công ty đầu tư riêng vào năm 1956; chưa đầy một thập kỷ sau, ông đã nắm quyền kiểm soát Berkshire Hathaway – khi đó chỉ là một nhà máy dệt đang gặp khó khăn ở Massachusetts. Và không biết từ bao giờ, các cuộc họp cổ đông của công ty, dưới sự chủ trì của Buffett, trở thành “lễ hội” của các nhà đầu tư.

Có một khu trưng bày lớn như hội chợ, nơi các giám đốc và nhân viên các công ty con của ông tấp nập qua lại và đôi khi Buffett xuất hiện để ăn kem Dairy Queen hoặc ném tờ báo Omaha World-Herald lên hiên một ngôi nhà mẫu Clayton (tất cả đều là công ty con của Berkshire).
Có năm Buffett xuất hiện tại khu triển lãm cùng đội an ninh (vì lượng người hâm mộ rất đông), đi qua các gian hàng của các công ty thuộc Berkshire. Có một người đàn ông lặng lẽ, trông có vẻ mọt sách đi phía sau ông mà ít người chú ý đến. Đó là Bill Gates. Có lẽ chỉ có tại sự kiện này, nhà sáng lập Microsoft mới bị “lép vế” như thế.
Phần quan trọng nhất là buổi hỏi đáp, nơi Buffett và người cộng sự lâu năm – Charlie Munger, người đã qua đời vào cuối năm 2023 ở tuổi 99, chủ trì. Hai người trả lời câu hỏi từ hàng nghìn cổ đông và người hâm mộ (luôn có lon Coca-Cola trên bàn – Berkshire là nhà đầu tư lớn vào công ty này).

Họ chia sẻ mọi thứ từ lời khuyên đầu tư đến triết lý sống giản dị (Munger đặc biệt sắc sảo trong cách nói). Xuyên suốt là niềm tin không lay chuyển vào nước Mỹ – như một quốc gia, một nơi để làm giàu, một nơi trao cơ hội cho người cần nhất. Họ là những người cổ vũ cho một tương lai tươi sáng, dù thời thế có biến động.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó có lẽ sẽ thay đổi mãi mãi sau sự kiện năm nay. Dù là điều đã được dự đoán trước nhưng sự rút lui của tỷ phú 94 tuổi vẫn để lại những sự hụt hẫng trong lòng các nhà đầu tư toàn cầu.

Được hồi sinh từ một doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản, Berkshire đã trở thành công cụ đầu tư chính của Buffet và ông đã biến nó thành một tập đoàn khổng lồ. Buffett là một nhà đầu tư đơn giản nhưng nghiêm túc: ông không đầu tư vào thứ mình không hiểu, và ông đọc không ngừng nghỉ để hiểu thấu mọi thứ. Ông từng nói đọc 500 trang mỗi ngày là vừa đủ.
Buffett tập trung tuyệt đối vào một điều: Giá trị. Mua công ty tốt khi giá rẻ, xây dựng và giữ lâu dài, sinh lời và lặp lại quá trình ấy.

Chiến lược của ông thường là: tìm kiếm những công ty bị định giá thấp so với giá trị nội tại, mua cổ phần lớn, giữ trong thời gian dài, và để lợi nhuận cộng dồn theo thời gian. Ví dụ điển hình là khoản đầu tư vào Coca-Cola năm 1988 với khoảng 1,3 tỷ USD — đến nay giá trị khoản đầu tư đó đã vượt 20 tỷ USD.
Những thương vụ thành công khác có thể kể đến như American Express sau vụ scandal năm 1963, hoặc gần đây là Apple — khoản đầu tư mà Buffett từng thừa nhận là “đáng kinh ngạc”. Ông cũng đầu tư lớn vào đường sắt BNSF và ngành năng lượng thông qua Berkshire Hathaway Energy.
Từ năm 1965 đến 2023, Berkshire Hathaway mang lại mức sinh lời trung bình 19,9% mỗi năm, gấp đôi chỉ số S&P 500. Trên một khung thời gian hơn sáu thập kỷ, đó là thành tích không ai sánh kịp.

Công thức này, cộng với sự kiên nhẫn để giữ lượng tiền mặt khổng lồ cho đến khi tìm được cơ hội tốt, đã giúp ông từng trở thành người giàu nhất thế giới. Tính đến thứ Bảy, khi tuyên bố sẽ rút lui, Buffett đang xếp thứ 5 trong danh sách tỷ phú của Bloomberg với tài sản cá nhân trị giá 169 tỷ USD. Bốn người đứng đầu danh sách đều là các ông trùm công nghệ (như Elon Musk và Mark Zuckerberg).
Tuy nhiên, điều bất ngờ là Buffett thì vẫn dùng điện thoại bàn, không có máy tính trong văn phòng và chưa từng gửi email.

Việc Warren Buffett tuyên bố nghỉ hưu đã khiến giới đầu tư toàn cầu xúc động không chỉ vì ông là một huyền thoại sống, mà còn vì ai cũng hiểu: sẽ không có người thứ hai như ông.
Có ba lý do chính khiến Buffett là duy nhất: Con người, thời đại và cấu trúc tổ chức.
Về con người, ông là người sống gần như trọn vẹn cho việc đầu tư. Từ nhỏ đến tuổi 94, ông đọc báo cáo tài chính như người ta đọc tiểu thuyết. Khi các nhà đầu tư khác chọn ăn tối sang trọng hay đi nghỉ dưỡng, ông ngồi đọc số liệu trong báo cáo thường niên. Có thể nói, Buffett là “người say chứng khoán”.

Về thời đại, Buffett sinh ra đúng lúc. Ông trưởng thành vào thời điểm thị trường chứng khoán chưa bị “bơi trong tiền” như hiện nay, khi đầu tư vẫn còn là lãnh địa của các cá nhân thay vì các quỹ khổng lồ. Ông học từ Benjamin Graham, đầu tư trước khi có ETF, và tìm thấy những cơ hội mà ngày nay hầu như không tồn tại.
Về cấu trúc tổ chức, ông không điều hành quỹ đầu tư thông thường mà điều hành Berkshire – một thực thể độc nhất vô nhị không thu phí quản lý, không chịu áp lực rút vốn, và có toàn quyền sử dụng lợi nhuận theo cách hợp lý nhất. Chính điều này đã giúp Buffett duy trì sự nhất quán, tránh được những sai lầm phổ biến của ngành tài chính: đầu tư vội vàng khi thị trường nóng và tháo chạy khi thị trường lao dốc.
Ngoài ra, sức hút cá nhân của Buffett cũng là điều không ai dễ dàng tái lập. Những buổi họp cổ đông hàng năm của Berkshire được gọi là “Woodstock của chủ nghĩa tư bản”, nơi ông và Charlie Munger (người bạn đồng hành thân thiết, mất năm 2023) chia sẻ cả triết lý sống lẫn chiến lược đầu tư, với hàng nghìn người hâm mộ lắng nghe say mê. Không ai khác có thể biến một buổi họp cổ đông thành lễ hội văn hóa như Buffett.
Hội chợ âm nhạc và nghệ thuật Woodstock, thường được gọi là Woodstock, là một lễ hội âm nhạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 8 năm 1969, tại trang trại bò sữa của Max Yasgur ở Bethel, New York, cách thị trấn Woodstock 60 dặm về phía tây nam. Đây được coi là lễ hội nhạc rock lớn nhất trong lịch sử âm nhạc.
Như Tim Cook từng viết: “Chưa từng có ai như Warren. Và sẽ không bao giờ có người thứ hai như ông ấy.”