Theo Shaun Rein, người sáng lập và giám đốc điều hành Chian Market Research Group, định giá cổ phiếu Trung Quốc đang “quá rẻ” và các nhà đầu tư nên thận trọng.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, sau 4 tháng giảm phát, Trung Quốc đã ghi nhận tháng lạm phát đầu tiên vào tháng 2 với chỉ số CPI tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tháng 1 của nước này đã giảm 0,8% so với năm trước.
Tuy nhiên Rein cho rằng điều này là do dịp Tết Nguyên đán - nhu cầu và giá cả hàng hóa tăng lên và giảm phát thực chất vẫn “rình rập” nền kinh tế số 2 thế giới.
“Chúng tôi vẫn nhận thấy người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là những người giàu có, đang khá lo lắng. Họ vẫn đang giảm bớt chi tiêu và bỏ qua việc mua sắm những thứ đắt tiền. Người tiêu dùng thận trọng về việc liệu Chính phủ có đưa ra kích cầu lớn như bazooka hay không. Rõ ràng là sẽ khó có một gói kích cầu lớn như vậy”, ông Rein nhận định.
Ông cũng cho rằng trong ngắn hạn, các thương hiệu hạng sang toàn cầu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng này giảm sút. Và có thể các nhà sản xuất xe điện địa phương (NEV) nội địa cũng có thể gặp khó khăn.
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán nước này giảm điểm mạnh trong năm qua, với mức giảm mạnh rơi vào cổ phiếu của các công ty bất động sản và xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024 sau khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2023.
“Báo cáo công tác mà Chính phủ Trung Quốc trình bày tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi cam kết duy trì tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc lạm phát cả năm tăng lên mức mục tiêu 3%”, nhà kinh tế Zichun Huang của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng lạm phát thấp của Trung Quốc là một dấu hiệu của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tỷ lệ đầu tư cao của Trung Quốc. Do nước này khó giảm được phụ thuộc vào đầu tư, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ còn thấp trong dài hạn”, theo ông Huang.
Mặc dù những cơn gió ngược trong ngắn hạn cho thấy bối cảnh đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn, Rein lập luận rằng các biện pháp mà Bắc Kinh đã đưa ra để dịch chuyển nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng đã bắt đầu phát huy tác dụng, và bức tranh kinh tế về dài hạn sẽ sáng lên.
“Kinh tế Trung Quốc có phần yếu hơn nhưng không yếu đến thế. Nếu bạn là một công ty đa quốc gia, nếu bạn tìm kiếm động lực tăng trưởng trong 3-5 năm tới, thì Trung Quốc tiếp theo vẫn chính là Trung Quốc. Tôi thực sự cho rằng nhà đầu tư nên một lần nữa có cái nhìn dài hạn về quốc gia này. Đây thực sự là nơi đáng để đầu tư”, ông Rein phát biểu.
“Còn quá sớm để nói về một thị trường giá lên ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng. Tôi nghĩ lạm phát vẫn chưa buông tha Trung Quốc, thị trường việc làm cũng còn yếu nhưng mức định giá cổ phiếu đang quá rẻ”, chiến lược gia nhận định thêm.
Dù đã hồi phục nhẹ trong 1 tháng qua, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông hiện vẫn giảm hơn 14% trong vòng một năm trở lại đây. Ông Rein cho biết cá nhân ông đã bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu A ở Hồng Kông từ cách đây khoảng 1 tháng vì tin rằng giá cổ phiếu ở đây “đang quá rẻ”.
Tham khảo CNBC