Quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn bất ngờ từ cuộc cạnh tranh chip Mỹ-Trung: Là nhà xuất khẩu bán dẫn lớn thứ 6 thế giới

Yến Nguyễn | 13:01 12/03/2024

Căng thẳng Mỹ-Trung về tiếp cận công nghệ đã thúc đẩy nhiều công ty mở nhà máy ở Đông Nam Á, trong đó Malaysia nổi lên như một điểm đến hấp dẫn.

Quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn bất ngờ từ cuộc cạnh tranh chip Mỹ-Trung: Là nhà xuất khẩu bán dẫn lớn thứ 6 thế giới

Khi các công ty trên khắp thế giới tìm kiếm một địa điểm bên ngoài Trung Quốc nhằm giúp chuỗi cung ứng không bị gián đoạn bởi các yếu tố địa chính trị – một chiến lược được gọi là “Trung Quốc+1”, thì Malaysia đang nổi lên thành một điểm đến đầu tư bất ngờ.

Cơ hội

Malaysia có lịch sử 50 năm đứng ở khâu “back end” của chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn, đó là đóng gói, lắp ráp và kiểm thử chip. Nhưng Malaysia có tham vọng vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp trị giá 520 tỷ USD toàn cầu này.

Những người trong ngành cho biết, việc Mỹ mở rộng hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất chip, là lý do chính khiến Malaysia trở nên hấp dẫn. Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí thống trị về công nghệ toàn cầu và tranh thủ hỗ trợ từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á nhằm hạn chế bán các con chip và thiết bị sản xuất tiên tiến nhất cho Trung Quốc.

Marcel Wismer, giám đốc điều hành của hãng sản xuất thiết bị bán dẫn theo hợp đồng Kemikon của Malaysia, cho biết các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn của phương Tây không thể bán thiết bị tiên tiến nhất của họ cho Trung Quốc vì những hạn chế của Mỹ. “Nhưng điều đáng nói là tất cả các nhà sản xuất này đều lấy linh kiện từ các công ty Trung Quốc”.

“Vì vậy, họ nói với các nhà cung cấp của mình: nếu bạn không rời khỏi Trung Quốc, chúng tôi phải tìm những nhà cung cấp mới. Các công ty Trung Quốc sau đó buộc phải di chuyển hoặc mở rộng sang những nơi như Đông Nam Á để duy trì kinh doanh. Điều đó dẫn đến sự xuất hiện của Penang.”

Penang – một bang ở miền bắc Malaysia nổi tiếng với những bãi biển và ẩm thực đa dạng, đã thu hút 60,1 tỷ RM (12,8 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2023, nhiều hơn tổng số vốn đổ vào Penang từ năm 2013 đến năm 2020.

Lợi thế

Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và lực lượng lao động là một “mục tiêu quan trọng”. Gautam Puntambekar, giám đốc điều hành quốc gia của Bank of America, nói rằng “khi bạn nói về chất bán dẫn, Malaysia luôn là một phần của cuộc trò chuyện”.

Ông nói: “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vẫn là trọng tâm hàng đầu của các công ty” và khiến Penang “trở thành một trong những điểm thú vị nhất ở châu Á hiện nay”.

Malaysia đã trở thành một cỗ máy hoạt động trơn tru trong lĩnh vực lắp ráp đóng gói và kiểm thử chip. Những công đoạn này vẫn được coi là cấp thấp, thâm dụng lao động nhưng cần thiết trong chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn.

Nước này là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ sáu thế giới và chiếm 13% thị phần đóng gói, lắp ráp và kiểm thử chất bán dẫn toàn cầu. Đây là nơi đóng góp tới 20% lượng chất bán dẫn nhập khẩu hàng năm của Mỹ, nhiều hơn cả Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng cho đến nay, chưa có nhiều chất xúc tác để nước này có thể tiến lên trong chuỗi giá trị bán dẫn.

chip.png
Malaysia dẫn đầu thị phần nhập khẩu bán dẫn của Mỹ (đơn vị %). Nguồn: Cục Thống kê Mỹ

Gã khổng lồ chip Intel đang chi 7 tỷ USD vào các nhà máy mới ở Malaysia, bao gồm cơ sở đóng gói ‘3D’ tiên tiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Công ty cũng đang xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip khác ở Kulim, giáp Penang. Eric Chan, phó chủ tịch Intel có trụ sở tại Penang, cho biết “Hệ sinh thái, khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng dành cho chip sẵn có của Malaysia là một phần tạo nên sự hấp dẫn”.

Micron (Mỹ) và Infineon (Đức) cũng đang tăng cường mở rộng hoạt động tại Malaysia. Micron năm ngoái đã khai trương cơ sở lắp ráp và thử nghiệm thứ hai tại Penang, trong khi Infineon cho biết họ sẽ dành 5,4 tỷ USD để mở rộng tại đây trong 5 năm tới.

Trong khi đó, các lệnh hạn chế công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc đã thúc đẩy một làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đến với Malaysia, cụ thể là Penang.

Theo InvestPenang, kể từ khi lệnh hạn chế có hiệu lực, Penang bắt đầu nhận được sự quan tâm lớn từ các tập đoàn của Trung Quốc. InvestPenang ước tính hiện có 55 công ty thuộc Trung Quốc đại lục ở Penang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là chất bán dẫn. Trước khi có lệnh hạn chế thương mại của Mỹ, con số này chỉ là 16.

Trở ngại

Nhưng còn nhiều thách thức trong việc đạt được mục tiêu này. Malaysia hiện đang thiếu hụt nhân tài trầm trọng và chưa tạo ra được một doanh nghiệp bán dẫn đi đầu để có thể thu hút các công ty khác.

Bộ trưởng Thương mại Zafrul cho biết chỉ riêng lĩnh vực điện và điện tử đã cần 50.000 kỹ sư, nhưng chỉ có 5.000 sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp mỗi năm. Chưa kể, nhiều người trong số này đã đến Singapore để kiếm mức lương cao hơn nhiều. Các chuyên gia cho rằng Malaysia vẫn còn thiếu các chuyên gia để vươn lên vị trí dẫn đầu trong chuỗi cung ứng chip.

Tan Eng Kee, chuyên gia về thiết bị tự động hóa, cho rằng chính phủ cần “tập trung hơn” vào việc phát triển các doanh nghiệp đứng đầu trong nước cũng như tăng lương. Tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, họ tự hào được làm việc cho các doanh nghiệp nội như TSMC, Pegatron hay Samsung”.

Một điều nữa là chính trị. Washington đã gây áp lực lên Kuala Lumpur vì đã “nghiêng” về phía Bắc Kinh dưới thời Thủ tướng Anwar. Mỹ – nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Malaysia, có thể hạn chế công nghệ Trung Quốc hơn nữa. Vì thế, một số nhà phân tích lo ngại điều này có thể kéo theo hạn chế đối các sản phẩm và thiết bị được sản xuất tại Malaysia trước làn sóng đổ bộ của các công ty từ Trung Quốc.

Ùn tắc giao thông là chuyện thường thấy. Phó chủ tịch Micron Malaysia là Ramu Iyer nói đùa rằng mặc dù chỉ sống cách nhà máy của mình 14 km nhưng ông vẫn phải mất một tiếng mới về được đến nhà nhà.

Trong khi đó, Malaysia phải tăng cường đầu tư chất lượng cao nếu không sẽ “thua” trước các đối thủ trong khu vực, Bộ trưởng Thương mại Zafrul nói, dẫn chứng Việt Nam và Ấn Độ đang xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình.

Theo FT


(0) Bình luận
Quốc gia Đông Nam Á hưởng lợi lớn bất ngờ từ cuộc cạnh tranh chip Mỹ-Trung: Là nhà xuất khẩu bán dẫn lớn thứ 6 thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO