Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa có thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 29/2 theo quản lý trên hệ thống của VSDC.
Theo đó, tổng số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt trên 7,485 triệu tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm chủ yếu với số lượng gần 7,47 triệu tài khoản, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chiếm 16.434 tài khoản.
Về số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tại thời điểm 29/2 số lượng tài khoản đạt 45.677 đơn vị. Trong đó, có 41.131 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 4.546 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Như vậy, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng 113.097 tài khoản so với thời điểm 31/1. Con số này tương đương với khoảng 7,5% dân số. So với các thị trường trong khu vực, tỷ lệ dân số tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ này tại Thái Lan vào năm 2017 đã là 27,9%, Malaysia là 31,6% (năm 2017), Trung Quốc là 10,7% (năm 2020), Ấn Độ là 15,4% (năm 2021).
Tại thời điểm cuối tháng 2, VN-Index ghi nhận ở mốc 1.252,73 điểm, tăng 7,59% so với cuối tháng 1 và tăng 10,87% so với cuối năm 2023. Thanh khoản thị trường tiếp tục sôi động với khối lượng giao dịch bình quân đạt 841,5 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 20.670 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,9% về khối lượng và 25,1% về giá trị so với tháng 1.
Qua số liệu, có thể thấy dư địa tăng trưởng của ngành chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán vẫn còn. Tuy nhiên, trên thực tế ngành chứng khoán vẫn đang gặp phải ít nhiều thách thức, dù tiềm năng là không thể phủ nhận.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đã được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản và đến năm 2030 đạt 11 triệu tài khoản.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.