Trước đó, Vinacas đã gửi công văn hỏa tốc đến Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Italy cùng các bộ, ngành liên quan đề nghị hỗ trợ khẩn cấp vụ việc này.
Theo ghi nhận ban đầu của Vinacas, gần đây thông qua môi giới của Công ty TNHH Một thành viên Kim Hạnh Việt, một số doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu đi Italia với số lượng 100 container, trị giá hàng trăm triệu USD. Lô hàng do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển; điểm đến là cảng Genoa, cảng La Spezia (Italia).
Tuy nhiên, đến nay khi một số container hàng đã cập cảng đến nhưng doanh nghiệp xuất khẩu không nhận được tiền thanh toán.
Theo thông tin mà các doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp, những hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam gửi tới các ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự thay đổi về số Swift (mã số định danh ngân hàng).
Sau khi ngân hàng của người mua nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ.
Đáng nói là các ngân hàng này không ghi rõ trả chứng từ theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam đã liên hệ nhiều lần.
Một số hồ sơ nhờ thu gửi đến ngân hàng của người mua tại Italia thì được ngân hàng Italia thông báo họ đã nhận bộ chứng từ nhưng là các bản copy, không phải bản gốc.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu đang lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp đơn vị vận chuyển để nhận hàng.
Các doanh nghiệp đều nhận định đây là một vụ lừa đảo vì giá trị lô hàng rất lớn. Tình thế càng cấp bách hơn vì những dấu hiệu bất thường chỉ được doanh nghiệp phát hiện khi nhiều container hàng đã cập cảng đến, một số container khác cũng sắp đến.
Vinacas đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Italia hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách làm việc với các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu tại Italy, đề nghị các hãng tàu trên áp dụng biện pháp "khẩn cấp", tạm thời giữ lại các container hạt điều từ Việt Nam đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc.
Hãng tàu chỉ cho phép giải phóng hàng khi được xác nhận từ người bán (doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam), đồng thời thông báo ngay cho người bán mọi thông tin hãng tàu nhận được từ phía người nhận hàng.