Việt Nam nhập khẩu lượng lớn gạo, thịt lợn và thịt gà
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu gần 12.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 26,02 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 22,4% về trị giá so với tháng 10/2021.
Lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 89.000 tấn, trị giá 189,02 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, trưởng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi khoảng 237 triệu USD để nhập 211.000 tấn thịt gà, ở chiều ngược lại thì chỉ xuất được 1.000 tấn với trị giá 2,2 triệu USD.
Đại diện Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay bình quân mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ 55 - 57 kg thị các loại, 130 - 135 quả trứng, chỉ bằng 70-80% so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng lượng thị sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm. Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp.
Ngoài thịt gà và thịt lợn, Việt Nam cũng nhập một lượng lớn gạo. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là gần 1 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo). Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm, gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Lượng gạo nhập về chủ yếu phục vụ sản xuất bún, bánh, thức ăn chăn nuôi và sản xuất bia, rượu…
Còn theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, 6 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 900.000 tấn gạo thành phẩm, sang Việt Nam. Số lượng lúa xuất khẩu này đạt trị giá hơn 336 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì sao xuất khẩu nhiều nhưng nhập cũng nhiều?
Có thể thấy công tác dự báo thị trường cung - cầu để điều tiết sản xuất thị trường thịt chưa được ổn định. Người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, thị trường lên giá người chăn nuôi không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống, người chăn nuôi rơi vào cảnh chịu lỗ. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi còn lỏng lẻo khiến chăn nuôi còn gặp rủi ro.
Thêm nữa, giá thịt heo sản xuất trong nước vẫn còn khá cao so với các thị trường khác. Giá heo Campuchia hiện nay đã thấp hơn VN và hàng ngày đang có trên 1.000 con heo nhập từ Campuchia vào.
Tương tự với gạo, nhờ giá rẻ và được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với gạo từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), sản lượng gạo nhập từ thị trường này cũng tăng mạnh. Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…
Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung trồng các giống lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, như giống lúa thơm ST, OM hay các loại đặc sản… Tuy nhiên, nhiều thị trường châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc… chỉ thích nhập nhiều loại gạo trắng thông dụng như IR 50404. Vì thiếu hụt nguồn cung nên các công ty Việt Nam sang Campuchia mua, hợp tác thuê đất trồng lúa rồi thu hoạch đem về Việt Nam chế biến, xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ Việt Nam giảm sút.
Việc nhập khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh… tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội. Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, cần siết chặt quy định về quản lý nhập khẩu gạo theo các tiêu chí cụ thể.
- Với thị trường thịt, các chuyên gia đề xuất trước mắt cần giảm nhập khẩu thịt đông lạnh. Đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu khi nguồn cung trong nước đang dồi dào.
Phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến cáo các siêu thị giảm giá bán lẻ để kích cầu. Tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi. Các bộ, ngành cũng cần nghiên cứu thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn.