Người nước ngoài ưa thích sở hữu loại hình bất động sản nào tại Việt Nam?

Hải Sơn | 05:52 23/07/2024

Các chuyên gia kỳ vọng hiệu ứng của Luật Đất đai 2024 sẽ "cởi trói" cho nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản. Vậy đâu là loại hình BĐS nhà đầu tư nước ngoài quan tâm?

Người nước ngoài ưa thích sở hữu loại hình bất động sản nào tại Việt Nam?
Người nước ngoài chủ yếu mua bất động sản để ở. (Ảnh: Int)

Theo Bộ Xây dựng, tính từ năm 2015 đến hết quý III/2023 người nước ngoài đã mua hơn 3.000 căn hộ tại Việt Nam; riêng trong nửa đầu năm 2024 người nước ngoài đã mua 1.000 căn hộ tại Hà Nội.

Cụ thể, Hà Nội chiếm hơn nửa với 1.765 căn, TPHCM 850 căn, Bắc Ninh 110 căn, Bình Dương 210 căn, Bà Rịa - Vũng Tàu 50 căn... Phần lớn người mua đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia. Tuy nhiên, tổng số người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất ít so với nhu cầu.

Đáng chú ý, trong số 1.000 căn người nước ngoài mua tại Hà Nội nửa đầu năm nay đa phần là người Trung Quốc với hơn 400 căn (chiếm 42%), Hàn Quốc với 210 căn (chiếm 21%), Hồng Kông (Trung Quốc) mua gần 90 căn (chiếm 9%), Đài Loan (Trung Quốc) 49 căn (5%) và Mỹ 41 căn (chiếm 4%)…

Loại hình chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại và tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Nhu cầu mua nhà của người nước ngoài được dự báo tăng khi các luật được áp dụng.

Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản, số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở của cả nước giai đoạn 2018-2022. Trong khi nhu cầu mua nhà của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bao gồm nhu cầu sở hữu nhà để ở và nhu cầu kinh doanh là rất lớn, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều.

Hiện Nhà nước công nhận, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở hợp pháp cho các chủ sở hữu bất kể là người có quốc tịch Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, việc mở ra quy định về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài với nhiều thủ tục đi kèm, giao dịch loại tài sản này cũng bị giới hạn rất nhiều.

Bên cạnh đó, những hạn chế trong việc tiếp cận quyền sử dụng đất, trong nhóm cơ cấu “người sử dụng đất” theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì người nước ngoài không là đối tượng có QSDĐ ở Việt Nam. Việc sở hữu nhà ở không gắn QSDĐ đã gián tiếp hạn chế người nước ngoài đầu tư sở hữu BĐS ở Việt Nam.

Cuối tháng 6, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai , Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là ngày 1/1/2025.

Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS, đó là việc ghi nhận thêm đối tượng “người gốc Việt Nam định cư nước ngoài” vào nhóm chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định về người sử dụng đất của Luật này tuy có phần cởi mở hơn về đối tượng được tiếp cận QSDĐ, nhưng Luật Đất đai 2024 vẫn chưa tạo được “cú hích” cho thị trường BĐS, vì Nhà nước vẫn chủ trương hạn chế QSDĐ của người nước ngoài, đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Nói về nhu cầu người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, chia sẻ với báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, người châu Âu, châu Mỹ thì chắc chắn họ sẽ không mua nhà kiểu đầu cơ do thói quen không bỏ tiền vào bất động sản tại các nước ở xa quê hương.

Đối với người Đông Á, phần lớn sẽ là người Hàn Quốc, họ có nhu cầu ở lâu dài tại Việt Nam nên nếu mua thì sẽ để ở chứ không phải mua để đầu tư lâu dài. Với người Trung Quốc, có thể họ có mối quan hệ làm ăn với người Hoa ở Việt Nam nên có khả năng sẽ mua để đầu tư do quan hệ họ hàng thân thiết,tuy nhiên, số lượng sẽ không nhiều. Do đó, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam để đầu cơ có thể chủ yếu là Việt kiều, người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Người nước ngoài ưa thích sở hữu loại hình bất động sản nào tại Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO