Người Anh hối hận vì Brexit, muốn ở lại Liên minh Châu Âu?

Băng Băng | 11:35 17/01/2023

Khảo sát của BCC cho thấy kể từ khi ký hiệp định sơ bộ Brexit, khoảng 77% doanh nghiệp cho biết thỏa thuận này chẳng khiến gia tăng doanh số hay giúp ích gì hơn cho việc kinh doanh của họ.

Người Anh hối hận vì Brexit, muốn ở lại Liên minh Châu Âu?

Theo tờ Quartz, những cuộc khảo sát gần đây cho thấy ngày càng nhiều người Anh chán nản với ý tưởng rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Thậm chí nhiều người từng bỏ phiếu cho đề nghị này giờ đây cũng đổi ý.

Việc tách rời khỏi EU không hề là một tiến trình dễ dàng như nhiều người lầm tưởng bởi chúng còn liên quan đến vô số thỏa thuận và tiêu chuẩn chung, từ hạn mức đánh bắt cá trên các vùng biển quốc tế cho đến biên giới giữa các nước, chưa kể đây là điều chưa từng diễn ra nên chưa có tiền lệ để noi theo

Tuy nhiên sau nhiều tranh cãi và cố gắng, cuối cùng một thỏa thuận Brexit đã được ký, vậy nhưng ngày càng nhiều người Anh chán nản với ý tưởng này trong thời điểm đáng lẽ ra họ phải ăn mừng.

Khảo sát của “What UK Thinks” cho thấy kể từ tháng 9/2021, lần cuối cùng các cuộc khảo sát cho thấy người dân Anh vẫn chia đều tỷ lệ về người ủng hộ lẫn phản đối Brexit, số người muốn được ở lại EU đã tăng mạnh. Kết quả khảo sát gần nhất cho thấy có đến 58% số người được hỏi muốn được ở lại EU hơn là tách ra.

Biểu đồ kết hợp 6 cuộc khảo sát gần nhất của các tổ chức bao gồm BMG, Deltapoll, JL Partners, Kantar, Opinium, Redfield & Wilton, Savanta, Omnisis, People Polling, Techne UK và YouGov cũng cho thấy kết quả bình quân đáng bất ngờ khi người dân Anh bất ngờ “quay xe”.

Xin được nhắc lại là vào năm 2016, cuộc bỏ phiếu Brexit cho thấy 51,9% số người Anh muốn rời bỏ EU và kể từ đó đến gần đây thì tỷ lệ này vẫn chênh lệch nhau không nhiều.

Vào cuối năm 2020 khi thỏa thuận hợp tác thương mại giữa Anh và EU được ký kết, tạo tiền đề cho một hiệp định Brexit toàn diện thì người dân Anh lại bắt đầu có ý tưởng chống lại đề xuất này. Các cuộc khảo sát khi đó cho thấy tỷ lệ phản đối Brexit lại cao hơn 4 điểm phần trăm so với ủng hộ.

Thế rồi công chúng lại “quay xe” một lần nữa khi ngày càng nhiều người ủng hộ Brexit với tỷ lệ đạt đỉnh gần 54% vào tháng 6/2021. Chỉ vài tháng sau đó, tình hình lại thay đổi đột ngột và lần này có vẻ những người muốn ở lại EU đang ngày một nhiều hơn.

Thất thường hơn thời tiết

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, một trong những chính trị gia tiên phong của phong trào Brexit đã bị buộc phải từ chức vào tháng 7/2022 sau khi hàng loạt những đồng minh thân cận quay ra “phản bội” ông.

Thế rồi đảng cầm quyền lâm vào giai đoạn hỗn loạn vài tháng để tìm người kế vị và bà Liz Truss lên nắm quyền vào mùa thu năm 2022. Tuy nhiên với một đề án ngân sách không thực sự tốt cùng với những diễn biến tồi tệ của nền kinh tế, Cựu Thủ tướng Liz Truss chỉ tại vị được 40 ngày.

Tại thời điểm này, hàng loạt những cú sốc bắt đầu diễn ra như thiếu nguồn cung lao động, nhu yếu phẩm, năng lượng, lạm phát tăng cao, thất nghiệp...Chính vì điều này mà vô số người dân Anh đổ lỗi cho việc thiếu liên kết giao thương với EU cũng như nguồn nhân lực nước ngoài là nguyên nhân chính.

Xin được nhắc lại là vào năm 2016, việc bị lệ thuộc vào EU cùng với những điều khoản mà nhiều người dân Anh cho là bất công, cùng với tình trạng làn sóng lao động nước ngoài lấy việc làm của người bản địa là lý do chính khiến phong trào Brexit trỗi dậy.

Theo tổ chức “What UK Thinks”, có 3 nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người phản đối Brexit ngày một tăng cao tại Anh như hiện nay.

Đầu tiên, giới trẻ Anh hay những người không tham gia bỏ phiếu vào năm 2016 đang dần lên tiếng bởi cuộc sống khó khăn ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nếu trước đây câu chuyện Brexit chỉ mang tính thời sự, đem ra để bàn tán thì hiện nay nó đã trở thành vấn đề sống còn, liên quan đến bữa ăn hàng ngày, số khí đốt sưởi ấm hàng đêm của từng hộ gia đình. Hệ quả là những người dân Anh từng im lặng đã nhận ra nếu không lên tiếng thì chính họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Tiếp đó, nhiều cử tri muốn ở lại EU nhưng bị thuyết phục bởi những người ủng hộ Brexit thì giờ đây đã bắt đầu “phản bội”. Nền kinh tế Anh lao dốc cùng vô số những rắc rối suốt thời kỳ đàm phán Brexit đã bào mòn sự kiên nhẫn của tầng lớp cử tri này và giờ đây họ muốn quay lại cuộc sống như cũ khi còn là một thành viên quyền lực của EU.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng và lạm phát đã khiến vô số người Anh từng ủng hộ Brexit phải thay đổi cách nghĩ. Mặc dù nền kinh tế Anh chịu nhiều ràng buộc khi ở trong EU nhưng người dân cũng được hưởng lợi cũng như sự bảo hộ của cả một cộng đồng thay vì phải tự thân vận động như hiện nay.

Về phía người lao động, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng nhân lực sau đó cho thấy có vô số việc làm mà người bản địa Anh không muốn hoặc không đủ người làm, qua đó cần có sự hỗ trợ của lao động nước ngoài.

Giáo sư John Curtice của trường đại học Strathclyde University nhận định chính nhóm người ban đầu ủng hộ Brexit lại quay xe là nguyên nhân chính cho tỷ lệ ủng hộ trở lại EU ngày một tăng cao như hiện nay.

“Trong năm vừa qua, tỷ lệ những người ủng hộ rời EU đã giảm 9 điểm phần trăm từ 83% xuống còn 74%. Nguyên nhân chủ yếu là những người ban đầu ủng hộ Brexit đổi ý, qua đó dẫn đến tình trạng trên”, giáo sư Curtice nhận định.

Đống rắc rối

“Có lần lô trà cây cơm cháy của chúng tôi gặp vấn đề với cơ quan chức năng của họ và thế là cả lô hàng bị đình trệ cả 1 tháng”, Cô Vishaka Agarwal, chủ hãng Tea People chuyên sản xuất chè tại Anh phàn nàn.

Bản thân cô Vishaka cùng chồng đã sống ở Anh tới 17 năm, lấy bằng MBA và khởi nghiệp tại đây từ rất lâu nhưng chưa bao giờ phải chứng kiến công việc kinh doanh khó khăn đến vậy. Mặc dù chính phủ Anh từng cam kết sẽ không có nhiều rào cản nữa sau khi những thỏa thuận sơ bộ về Brexit được ký kết, nhưng tình hình không phải vậy.

“Vô số những thủ tục, giấy tờ và rắc rối khiến chúng tôi điên đầu”, cô Vishaka than vãn khi tình hình kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi Brexit diễn ra và chẳng có thứ gì cải thiện hơn cả.

Trước đây, doanh nghiệp của cô có thể gửi nguyên liệu đến Tây Ban Nha để đóng gói và nhận lại hàng chỉ trong 3 tuần, bao gồm cả thời gian làm thủ tục. Thế nhưng giờ đây, việc gửi được nguyên liệu sang Tây Ban Nha cũng đã tốn ngừng đó thời gian.

“Mỗi lần chúng tôi qua một khâu làm thủ tục là họ lại hỏi thêm một loại giấy tờ nào đó. Lần tới khi chúng tôi gửi đúng lô hàng như vậy cùng giấy tờ đã thêm thì họ lại vẫn hỏi thêm cả đống thứ nữa”, cô Vishaka nổi nóng.

Doanh nghiệp của Vishaka đã xây dựng được tệp khách hàng trung thành tại hàng loạt thị trường từ Đức cho đến Pháp, nhưng công ty đã phải ngừng kinh doanh ở các thị trường này lại sau khi khách hàng phàn nàn rằng thời gian nhận hàng quá lâu, rồi mức phí thuế VAT cao gấp đôi.

Chuyên gia William Bain của Hội đồng thương mại Anh (BCC) cho biết tình hình như của cô Vishaka đang diễn ra với vô số doanh nghiệp nước này. Khảo sát của BCC cho thấy kể từ khi ký hiệp định sơ bộ Brexit, khoảng 77% doanh nghiệp cho biết thỏa thuận này chẳng khiến gia tăng doanh số hay giúp ích gì hơn cho việc kinh doanh của họ.

Thậm chí 56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết thủ tục thông thường trở nên khó khăn hơn bởi những quy định mới.

Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR) của Anh ước tính về trung hạn, thương mại nước này có thể giảm 15% GDP vì Brexit.

*Nguồn: The Guardian, QZ


(0) Bình luận
Người Anh hối hận vì Brexit, muốn ở lại Liên minh Châu Âu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO