Hôm 16/1, iPOS.vn - đơn vị cung cấp giải pháp quản lý công nghệ cho ngành F&B công bố báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022, dựa trên nguồn dữ liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường và khảo sát gần 3.000 nhà hàng/quán café cùng gần 4.000 thực khách trên toàn quốc.
Báo cáo chỉ ra thị trường F&B tại Việt Nam quý 4/2022, đặc biệt là 2 tháng cuối năm, chứng kiến sự khác biệt so với những năm trước. Thời kỳ trước dịch và ngay năm 2021, quý 4 luôn là thời điểm bùng nổ về số lượng cửa hàng mở mới, cũng như tần suất ăn uống của thực khách.
Tuy nhiên, năm nay không khí đang trùng xuống theo tình hình kinh tế nói chung. Xu thế này được dự đoán sẽ tiếp diễn vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư đơn lẻ đang có xu hướng dè chừng và phòng thủ. Các kế hoạch mở mới đang được tạm hoãn để nghe ngóng thêm thị trường.
Bất chấp viễn cảnh kinh tế không mấy khả quan, nhiều thương hiệu lớn, đặc biệt là thương hiệu chuỗi, bằng nguồn vốn tích lũy của mình đang tranh thủ chiếm lĩnh thị phần khi các đối thủ suy yếu.
“Các thương hiệu lớn như Golden Gate, Highlands Coffee, The Coffee House vẫn bền bỉ mở rộng chuỗi. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày một tăng đến từ các thương hiệu mới, đang tạo nên tiếng vang như Phê La, Katinat... 2023 hứa hẹn là một năm nhiều biến số thú vị trên thị trường”, báo cáo của iPOS nhận định.
Một dự báo khác về ngành F&B năm 2023 được nêu trong báo cáo là vấn đề bán hàng online. Ông Đỗ Duy Thanh – Giám đốc FnB Horeca Business School đánh giá xu hướng bán hàng online sẽ phát triển, nhưng chỉ trong ngắn hạn.
“Các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đã qua thời gian “đốt tiền”, và sẽ tăng chi phí chiết khấu cao trong thời gian tới để bù đắp ngân sách đầu tư ban đầu. Thuật toán hiển thị trên các ứng dụng đồng thời khó khăn hơn, để dành chỗ cho quảng cáo hay những nhà hàng có chất lượng. Vì vậy, bán hàng online chỉ phù hợp để khai thác thời gian thấp điểm, là cánh tay nối dài, không còn là hướng đi an toàn cho mô hình kinh doanh thuần trực tuyến, thuần ứng dụng giao đồ ăn”, chuyên gia phân tích.
Hiện nay, việc bán đồ ăn online đã trở nên rất phổ biến trên thị trường F&B Việt Nam. Quy mô thị trường giao đồ ăn đã lớn gấp 3 lần so với trước khi bùng phát Covid-19 (năm 2019). Khoảng 12,23 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến, tốc độ tăng trưởng người dùng hằng năm là 17,5%, tương đương 1,8 triệu người.
Xu thế này dự kiến tiếp tục lan tỏa sang các thành phố đô thị loại 1, loại 2 trong những năm tới, theo đà mở rộng của hệ thống hạ tầng app gọi món, giao vận, thanh toán.
Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối giữa cửa hàng với các nền tảng đặt món online vẫn liên quan đến chi phí hoa hồng trên mỗi đơn hàng, hiện dao động từ 20 – 25%, một mức cao theo cơ cấu chi phí của ngành.
Bên cạnh đó, việc các thương hiệu đều muốn xuất hiện trên app và lao vào cuộc đua giảm giá để giành đơn hàng khiến lợi nhuận bị bào mòn và phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của mỗi nền tảng.
“Do đó, nhiều thương hiệu đang cân đối ở tỷ lệ tối ưu: 80% lượng đơn online đến từ các app, nhưng 20% còn lại đến từ hệ thống tự vận hành qua hotline, inbox, và tự giao vận qua AhaMove, GrabExpress...”.
“Trong tương lai tỷ lệ này có thể tăng lên 7/3 hoặc thậm chí 6/4, nhưng điều quan trọng là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chủ thương hiệu luôn có phương án phòng thủ một khi việc hợp tác với các ứng dụng trở nên ‘cơm không lành, canh không ngọt’”, báo cáo của iPOS có đoạn.