Đi ngược lại định kiến “con nhà giàu mới học VinUni”, nữ sinh kể chuyện từng ăn mì gói suốt 2 tháng để dành tiền, có lúc đã gục khóc vì áp lực

Đinh Anh | 09:15 01/07/2025

Chứng kiến ba mẹ phải gánh 14.000 viên gạch để đổi lấy 70.000 đồng/ngày công, nữ sinh quê Hà Tĩnh nhận ra bản thân cần quyết liệt nỗ lực để gia đình có cuộc sống tốt hơn.

Đi ngược lại định kiến “con nhà giàu mới học VinUni”, nữ sinh kể chuyện từng ăn mì gói suốt 2 tháng để dành tiền, có lúc đã gục khóc vì áp lực

Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Châu Anh (sinh năm 2001) ngay tại buổi lễ tốt nghiệp của VinUni vào sáng ngày 28/6. Cô không khỏi tự hào khi kể với mọi người về tấm bằng danh giá, ghi dấu hành trình 4 năm học tập tại Viện Kinh doanh Quản trị. 

Tân khoa Nguyễn Thị Châu Anh - Viện Kinh doanh Quản trị, VinUni

Chia sẻ về chặng đường đã đi qua, nữ sinh này xúc động khi nhắc về gia đình mình. Những người đã luôn tin tưởng mọi quyết định của cô. Cho dù sự lựa chọn đó có khác với hướng đi của các bạn cùng trang lứa. 

"Đó là hành trình nỗ lực của những người phụ nữ đến từ nhiều thế hệ: Bà của em đã dành một đời ở bếp núc và ruộng đồng để con gái bà có thể theo đuổi con chữ. Rồi với đôi bàn tay thô ráp, mẹ đã làm lụng cả đời, gánh gồng ước mơ em. Để hôm nay, bàn tay con gái mẹ có thể được làm việc với giấy bút và những con người tài năng nhất", Châu Anh nghẹn ngào nói. 

Nuôi giấc mơ đến đại học từ những ngày công chỉ vỏn vẹn 70.000 đồng của ba mẹ

Không như các bạn cùng trang lứa, sau khi học xong chương trình THPT, nữ sinh đến từ Hà Tĩnh đã chọn một quyết định táo bạo: gap year 2 năm. Cô rời xa vòng tay của gia đình và chuyển vào TP.HCM sinh sống. 

Chia sẻ về lựa chọn này, Châu Anh cho biết mọi việc xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và ước mơ được học trong môi trường quốc tế. “Năm lên 7 tuổi, em đã chứng kiến bố mẹ phải bê 14.000 viên gạch nóng hổi trên tay từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối chỉ để nhận được 70.000 đồng ngày công. Hình ảnh đó ám ảnh suốt những năm tháng tuổi thơ khiến em có suy nghĩ phải thay đổi cục diện và mang đến một tương lai tốt hơn cho thế hệ tiếp theo”. 

Đối với Châu Anh, gia đình luôn là động lực để cô phấn đấu mỗi ngày

Tình cờ năm cấp 3, Châu Anh nhận được học bổng tham gia một chương trình tại TP.HCM. Tại đây, nữ sinh được tiếp xúc với nhiều anh chị tài năng. “Mọi người mở cho em suy nghĩ về việc được học tập trong một môi trường quốc tế không quá xa vời. Những người có xuất phát điểm như em hoàn toàn vẫn có thể chạm tới được”, cô kể.

Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, vào năm lớp 12, Châu Anh thẳng thắn chia sẻ với bố mẹ quyết định gap year 2 năm. Nữ sinh cũng vạch rõ mọi kế hoạch trong khoảng thời gian này: vừa học để thi chứng chỉ nhằm chuẩn bị hồ sơ nộp vào các trường, vừa đi làm để độc lập tài chính. 

“Việc gap year không phải là vì em không cần đi học. Em muốn tiếp xúc với thị trường lao động thật sớm để định hướng rõ cho mục tiêu phát triển của bản thân”, Châu Anh chia sẻ. 

Nhớ lại khoảng thời gian một mình ở TP.HCM, cô cho biết từng ăn mì gói suốt 2 tháng để dành dụm tiền, phòng khi cần mua vé máy bay về thăm ba mẹ trong tình huống khẩn cấp. “Những ngày tháng đó thực sự rất khó khăn. Nhưng đó cũng là lúc em cảm nhận được rõ sự yêu thương và những cơ hội mà mọi người trao cho em”, nữ sinh nói. 

Vào TP.HCM trùng với thời điểm Covid-19 bùng phát, Châu Anh tham gia phòng chống dịch cùng lực lượng tình nguyện của Thành đoàn TP. HCM, rồi bén duyên với hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính thời gian đó đã thôi thúc nữ sinh nộp đơn vào VinUni. 

Những trải nghiệm sâu sắc trong suốt 2 năm gap year lại trở thành lợi thế để Châu Anh vượt qua vòng tuyển sinh gắt gao, ghi tên mình vào danh sách sinh viên Viện Kinh doanh Quản trị của VinUni.  

Chưa ra trường đã làm trợ lý cho 2 CEO: Áp lực là để ‘nới rộng’ giới hạn 

4 năm ở VinUni, Châu Anh vẫn vừa học vừa đi làm. Chỉ mới là sinh viên cuối năm nhất, nữ sinh đã được đảm nhận vị trí trợ lý cho Shark Trương Lý Hoàng Phi. Đồng thời cô cũng kiêm nhiệm vị trí trợ lý Giám đốc & Chuyên viên Đầu tư tại Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC. 

Châu Anh được anh chị đồng nghiệp đến chúc mừng trong ngày lễ tốt nghiệp

Không dừng lại ở đó, Châu Anh cùng đồng đội còn là đại diện xuất sắc đến từ Việt Nam dành giải nhất tại chương trình đổi mới sáng tạo do Sở KH&CN TP.HCM và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức. 

Chia sẻ về việc sắp xếp thời gian để vừa học vừa làm, cô cho biết nhà trường rất linh hoạt, tạo điều kiện để sinh viên vừa hoàn thành tốt việc học, vừa theo đuổi được đam mê công việc. Song song với đó, công ty cũng hỗ trợ cho phép nữ sinh làm việc từ xa để có thể tốt nghiệp đúng hạn. 

“Em thường xếp lịch học trong tuần từ thứ 2 đến thứ 4. Những ngày còn lại, em vẫn có thể làm việc cùng với mọi người ở TP.HCM. Nhiều khi em thực sự thấy kiệt sức, vì mệt, áp lực… Nhưng trên hết, em biết mọi áp lực ở độ tuổi này đều là cơ hội. Đó là lựa chọn của mình, muốn được học hỏi nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn. 

Thêm nữa, bản thân em hiểu rõ, tại thời điểm bắt đầu, mình còn rất trẻ với những công việc đòi hỏi chuyên môn và kinh nghiệm cao như vậy. Tuy nhiên, các anh chị đã tạo điều kiện, trao quyền để em được học, làm việc và nỗ lực không ngừng. 

Áp lực luôn muốn làm tốt ở bất kỳ vai trò nào là thử thách với em. Song chính nó cũng là cơ hội để em được trưởng thành, nới rộng giới hạn và sức chịu đựng của bản thân”, Châu Anh chia sẻ. 

Nữ sinh nêu ví dụ, nếu như ở VinUni, cô được học và gặp gỡ những nhà khoa học, chuyên gia kiệt xuất, tầm vóc thế giới, như Giáo sư Soumitra Dutta – Hiện là Hiệu trưởng Saïd Business School, Oxford. 

Châu Anh nhận được lời chúc mừng của Giáo sư Soumitra Dutta trong lễ tốt nghiệp  

Ở nơi làm việc, Châu Anh lại học được sự quyết liệt trong các quyết định từ Shark Trương Lý Hoàng Phi. Một khi đã muốn làm gì, bạn cần biết cách kết nối nguồn lực đa tầng để hiện thực hóa nó bằng mọi giá, với chất lượng tốt nhất. 

Với vai trò là trợ lý của CEO Nguyễn Thị Diệu Hằng tại Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC, Châu Anh còn học được cách làm việc hệ thống, quyết định sắc bén và tạo ảnh hưởng đến cộng đồng. 

Ngoài 2 vị trí trên, hiện tân khoa này còn giữ vai trò Quản lý Tăng trưởng tại Graphenel - startup công nghệ vật liệu mới. Tại đây, cô đóng vai trò như một “phiên dịch” - chuyển ngôn ngữ khoa học sang ngôn ngữ kinh doanh, giúp các đối tác, khách hàng và nhà đầu tư hiểu rõ và tin tưởng vào sản phẩm. 

“Công việc này giúp em học cách kết nối đa ngành, kể một câu chuyện thuyết phục, và đưa sản phẩm có hàm lượng khoa học cao ra thị trường thực tế”, nữ sinh chia sẻ.  

Châu Anh bên những người bạn thân thiết nhất

Nhìn lại hành trình 4 năm tại VinUni dần khép lại, Châu Anh không nghĩ rằng mình đã đi xa được như ngày hôm nay. Từ một cô bé 7 tuổi từng chứng kiến ba mẹ làm việc trong lò gạch giữa nắng nóng, đến hôm nay - được học tập trong một môi trường mơ ước là cả một hành trình dài. “Đây không phải kết thúc, mà là một khởi đầu mới. Em biết mình cần phải tiếp tục học hỏi, giữ thái độ khiêm tốn, và không ngừng rèn luyện để những gì mình học được có thể trở thành giá trị thật sự cho cộng đồng”, Châu Anh nói.


(0) Bình luận
Đi ngược lại định kiến “con nhà giàu mới học VinUni”, nữ sinh kể chuyện từng ăn mì gói suốt 2 tháng để dành tiền, có lúc đã gục khóc vì áp lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO