Đi để trở về: Hối hận vì bỏ việc ngân hàng để rồi phải quay lại do không kiếm được việc tốt hơn, kỹ năng ngành không được nghề khác coi trọng

Băng Băng | 09:22 01/07/2025

Nhiều banker rời ngân hàng đi khởi nghiệp để rồi lạc lõng với văn hóa làm việc mới, đối mặt thực tế phũ phàng và phải trở lại ngành với vị trí thấp hơn.

Đi để trở về: Hối hận vì bỏ việc ngân hàng để rồi phải quay lại do không kiếm được việc tốt hơn, kỹ năng ngành không được nghề khác coi trọng

Theo LinkedIn Workforce Report, tỷ lệ nhân viên quay lại công ty cũ (boomerang hires) tại Mỹ đã tăng lên 4,3% vào năm 2021, so với mức dưới 3% trước đại dịch. Thời gian trung bình để một nhân viên cũ quay lại vào khoảng 17,3 tháng.

Khảo sát của Spherion (WorkSphere Survey 2016) tại Mỹ cho thấy 29% người lao động từng rời công ty quay lại trong một khoảng thời gian sau khi nghỉ, thêm 41% nữa sẵn sàng cân nhắc quay lại.

Báo cáo của LinkedIn Get Hired (tháng 3/2023) cho biết ở Anh, tỷ lệ nhân viên quay lại công ty cũ tăng từ 1,9% (2019) lên 2,23% (2022). Trong số các ngành, Financial Services xếp thứ 3 về tỷ lệ nhân viên cũ quay lại, chỉ sau công nghệ và bán lẻ.

Trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư – nơi thường gắn với những giờ làm việc cường độ cao, áp lực đến mức gần như phi nhân tính – thì hiện tượng này nghe có vẻ nghịch lý. Nhưng chính sự khắc nghiệt ấy lại khiến nó trở thành một nghề có sức hút đặc biệt.

Đi để trở về

Một buổi tối giữa London, phóng viên Craig Coben của tờ Financial Times (FT) ngồi đối diện một người đàn ông từng có "lễ chia tay ngành" mà bất kỳ banker (nhân viên ngân hàng) nào cũng mơ ước: tiệc champagne ở khách sạn 5 sao, lời tiễn đưa đầy nước mắt và bài phát biểu truyền cảm hứng từ người vợ về những dự án mới trong đời anh – từ viết sách, du lịch thế giới đến khôi phục một dinh thự cổ.

Thế nhưng chỉ 1 năm sau, anh trở lại ngành ngân hàng. Không phải vì nợ nần hay thất bại. Mà vì... anh nhớ nghề.

Hiện tượng "boomerang bankers" – những người rời bỏ ngành tài chính chỉ để quay trở lại – không còn là điều hiếm gặp. Trong vài năm qua, ông Coben đã chứng kiến không dưới năm người bạn, đồng nghiệp từng tuyên bố "dứt áo ra đi" nhưng lại âm thầm quay về.

Theo FT, chính thực tế phũ phàng của cuộc sống hậu nghỉ việc ngân hàng đã khiến nhiều người vỡ mộng đến mức hối hận.

Nhiều banker rời đi với kỳ vọng về sự tự do, sáng tạo, một cuộc sống không còn email lúc nửa đêm hay cuộc họp 6h sáng. Nhưng rồi họ phát hiện, bên ngoài ngân hàng không hề là thiên đường.

Lý do đầu tiên, và có lẽ hiển nhiên nhất, là tài chính. Mức lương và các khoản thưởng "khủng" trong ngành ngân hàng đầu tư là điều hiếm có khó tìm ở bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Các báo cáo từ các nền tảng tuyển dụng như eFinancialCareers thường xuyên chỉ ra rằng các vị trí cấp cao trong ngân hàng có thể mang lại thu nhập lên tới hàng trăm ngàn đô la mỗi năm, một con số mà rất ít công việc bên ngoài có thể sánh kịp mà không đi kèm rủi ro lớn hơn hoặc đòi hỏi một khởi đầu hoàn toàn mới.

"Ở ngoài, tôi phải làm 3 công việc tư vấn tự do mới bằng một nửa lương cũ – chưa kể không còn thư ký, không còn thương hiệu đứng sau", một cựu banker nói với tờ FT.

Số liệu của New York Post (NYP) cho thấy trung bình thu nhập của một nhân viên ngân hàng đầu tư ở New York vào năm 2023 đạt 471.370 USD tiền lương cơ bản, cộng thêm 176.500 USD tiền thưởng trung bình, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình chung của thành phố và hầu hết ngành nghề khác.

Khảo sát WSO 2022 với 485 banker ở các định chế khác nhau cho thấy dù làm gần 78 giờ/tuần, có 52% nhân viên ngân hàng dù bất mãn về điều kiện nhưng họ vẫn ở lại vì không có lựa chọn nào khác đủ hấp dẫn về mặt tài chính.

Một nhà phân tích nhân sự cấp cao tại một công ty tuyển dụng có trụ sở ở London chia sẻ: "Nhiều người nghĩ rằng họ có thể sống thoải mái với khoản tiết kiệm hoặc tìm một công việc 'nhẹ nhàng' hơn. Nhưng rất nhanh chóng, họ nhận ra rằng lối sống đã quen thuộc, với những ngôi nhà lớn, học phí tư thục cho con cái, đòi hỏi một nguồn thu nhập ổn định và cao. Khoản tiền tiết kiệm có thể cạn kiệt nhanh chóng hơn dự kiến."

Sự "tự do" ban đầu có thể nhanh chóng biến thành "lưu đày" khi tài chính không còn như mong muốn.

Lạc lõng

Vấn đề thứ hai nằm ở cấu trúc nghề nghiệp. Kỹ năng của các banker, như đàm phán giao dịch phức tạp, quản lý quan hệ khách hàng cấp cao, hay "kể chuyện" bằng PowerPoint đầy thuyết phục, thường rất chuyên biệt.

Việc chuyển đổi những kỹ năng này sang một ngành khác không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thị trường việc làm cho các vị trí cấp cao trong các quỹ đầu tư tư nhân hay quỹ phòng hộ thì cực kỳ cạnh tranh và số lượng hạn chế.

"Họ là những người đã quen với việc được hỗ trợ bởi một bộ máy khổng lồ: đội ngũ phân tích, bộ phận pháp lý, công nghệ thông tin... Khi rời đi, họ thường phải đối mặt với sự thiếu thốn về cấu trúc, thương hiệu và cơ sở hạ tầng mà họ từng có," một cựu banker đã quay trở lại ngành sau hai năm thử sức với một startup công nghệ cho biết.

Nhiều người trở nên "mất phương hướng" khi không còn một hệ thống hỗ trợ vững chắc.

Trong một bài phân tích về việc tuyển dụng "boomerang" của StaffingHub (tháng 5/2025), một trong những lý do chính thúc đẩy việc quay lại là "skills scarcity" (thiếu hụt kỹ năng) ở các ngành khác. Điều này gián tiếp cho thấy các kỹ năng chuyên biệt của banker không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy một "nơi" phù hợp bên ngoài ngành.

Thậm chí, áp lực trong ngành – tưởng như khắc nghiệt – lại cho cảm giác được sống, được cống hiến.

"Tôi không thích bị thúc deadline, nhưng tôi nhớ cảm giác mình đang ở trong guồng, quan trọng, có tiếng nói", một cựu giám đốc mảng mua lại và sáp nhập của ngân hàng, từng nghỉ 2 năm rồi quay lại thừa nhận.

Tệ hơn, rất nhiều banker bị mất phương hướng sau khi rời ngành bởi họ vốn quen với hệ thống phân cấp rõ ràng, deadline chặt chẽ, mục tiêu đo đếm được. Khi bước ra làm start-up hay tư vấn, nhiều người trở nên lạc lõng.

"Đầu tư vào start-up? Quá nhiều rủi ro. Làm hội đồng quản trị? Chỉ vài buổi mỗi quý, không đủ để lấp đầy nhu cầu đóng góp. Viết sách, làm vườn, du lịch? Được 3 tháng là hết hứng", một "boomerang bankers" từng nghỉ hưu sớm kể lại.

Văn hóa làm việc trong ngân hàng đầu tư thường nhấn mạnh tính cạnh tranh, sự tập trung vào hiệu suất và thành công lớn, nơi cá nhân được công nhận rất cao.

Khi những người làm trong ngành tài chính rời đi, họ thường phải đối mặt với việc mất đi mạng lưới quan hệ rộng lớn, các cuộc gọi và email liên tục, được tham vấn ý kiến, được tin cậy vào phán đoán, được tìm đến vì các mối quan hệ cũng như cảm giác là một phần của những giao dịch lớn, có tầm ảnh hưởng.

Với nhiều người, ngân hàng không chỉ là nơi làm việc, mà còn là nơi tạo nên bản sắc sự nghiệp, từ tấm danh thiếp, địa chỉ email, chức danh cho đến tiếng nói trong ngành. Mất tất cả điều này thì nhiều người bỗng thấy trống vắng, dù họ từng thề từ bỏ công việc áp lực để trở về cuộc sống đời thường.

Tờ FT cho hay có một sự thật đau lòng rằng ngân hàng, với tất cả khuyết điểm của nó, vẫn là nơi mà nhiều tài năng được công nhận khi người lao động chứng minh được giá trị bản thân.

"Khi rời ngành ngân hàng thì tôi vẫn là tôi nhưng chẳng ai quan tâm đến góc nhìn của tôi nữa", một người từng làm ở một ngân hàng lớn tâm sự.

Dữ liệu từ ADP Research về "boomerang hiring" trên diện rộng cho thấy một xu hướng chung: gần 35% tổng số nhân viên mới được tuyển dụng vào tháng 3/2025 là nhân viên cũ quay lại, tăng đáng kể so với năm trước.

Mặc dù không tập trung riêng vào ngành tài chính, xu hướng này phản ánh rằng việc quay lại nơi làm cũ thường được thúc đẩy bởi sự quen thuộc về văn hóa, mức độ phù hợp của kỹ năng và quan trọng hơn cả, việc tìm lại cảm giác thuộc về và được đánh giá cao.

Trở lại không như xưa

Tồi tệ hơn, không phải nhân viên cũ nào quay lại cũng có màn tái xuất lẫy lừng. Một số trở lại trong bối cảnh tổ chức đã thay đổi, cơ cấu nhân sự đã biến động không còn như trước, quyền lực dàn trải hơn và tuổi tác không còn là lợi thế.

"Tôi quay lại nhưng tôi thấy mình như vị khách lạ trong ngôi nhà cũ", một banker kỳ cựu thừa nhận sau khi quay lại ngành ngân hàng.

Dù vậy, phần lớn đều chọn quay lại không chỉ vì câu chuyện thu nhập mà còn là do nhu cầu được kết nối, được là một phần của trò chơi mà họ từng chơi rất giỏi.

Hiện tượng "boomerang banker" là một tấm gương phản chiếu nhiều điều. Nó cho thấy ngành ngân hàng – dù nhiều chỉ trích – vẫn là một trong số ít môi trường mang lại mức thù lao, cảm giác quan trọng và bản sắc nghề nghiệp mà khó nơi nào sánh kịp.

Thế nhưng xu thế này cũng phơi bày một thực tế khác: sau nhiều năm gắn bó, không ít người bị ngành "định hình hóa" đến mức không thể rời xa – hoặc nếu có, họ chẳng biết sẽ đi đâu tiếp.

*Nguồn: FT, Fortune, BI


(0) Bình luận
Đi để trở về: Hối hận vì bỏ việc ngân hàng để rồi phải quay lại do không kiếm được việc tốt hơn, kỹ năng ngành không được nghề khác coi trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO