Chọn tận hưởng cuộc sống thay vì tiết kiệm, mua nhà
An cư lạc nghiệp, có tài chính dư dả là mong ước của của vô số người trẻ, Hàn Quốc cũng không ngoại lệ. Nhưng nhiều thanh niên quốc gia này phải đối diện với thực tế phũ phàng rằng họ không đủ tiền mua nhà hay kết hôn, sinh con sau khi tốt nghiệp đại học.
Lãi suất thế chấp tăng cao khiến người có thu nhập trung bình không dám mua nhà. Anh Lee (34 tuổi) sống ở trung tâm Seoul cho biết giá nhà đã tăng chóng mặt. Sau khi kết hôn, anh Lee dự tính chỉ cần vay khoảng 200 triệu won (khoảng 3,7 tỷ đồng) là có thể mua nhà. Thế nhưng giờ đây, cùng là căn nhà đó nhưng anh cần vay tới 1 tỷ won (14,8 tỷ đồng), số tiền này hoàn toàn vượt khả năng chi trả của anh Lee.
Ảnh minh họa
Thấy rằng việc mua một ngôi nhà là vô vọng, anh ấy đưa ra lựa chọn giống nhiều bạn bè đồng trang lứa của mình - không mua nhà hay sinh con. “Bây giờ tôi chỉ muốn thưởng thức những món ăn ngon, mua những thứ mà trước đây tôi không dám mua và tận hưởng cuộc sống trước mắt”, anh Lee nói.
Giống như anh Lee, ngày càng có nhiều người buông bỏ nỗi ám ảnh về việc sở hữu một ngôi nhà của riêng mình. Kết quả là trong nửa đầu năm 2022, lượng giao dịch căn hộ giảm 50,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn này, một lối sống mang tên “YOLO” đã âm thầm trở nên phổ biến trong giới trẻ. YOLO có nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần", và ý tưởng cốt lõi của nó là sống cho chính mình.
"Làm việc chăm chỉ thế nào cũng không thay đổi được vận mệnh, tận hưởng cuộc sống vẫn là tốt hơn", anh Lee nói.
Thu nhập thấp vẫn bất chấp mua hàng hiệu đầy nhà
Koo Young-gyu, 36 tuổi, là một trong số những người trẻ theo chủ nghĩa YOLO. Dù chỉ kiếm được 700.000 won (12,8 triệu đồng) và sống một mình trong căn hộ cho thuê nhỏ nhưng mọi ngóc ngách trong nhà đều chứa đầy những món đồ xa xỉ của nhiều hãng khác nhau.
Chỉ là một người lao động bình thường, để sở hữu những món đồ đó, anh Koo đã tìm đến những khoản vay. Anh đăng ký 4 thẻ tín dụng với tổng hạn mức lên đến 40,54 triệu won (754 triệu đồng). Từ đó, Koo Young-gyu bắt đầu tiêu xài hoang phí, đi du lịch khắp nơi, mua nhiều loại giày thể thao phiên bản giới hạn, quần áo hàng hiệu, đồ điện tử đắt tiền,...
Chân dung Koo Young-gyu. Ảnh: ChannelNewsAsia
Ngay từ đầu, anh không có ý định kết hôn và mua nhà mà chỉ muốn dùng số tiền đó để tự thưởng cho bản thân vài món đồ. Không ngờ, sau khi trải qua niềm vui tiêu tiền thoải mái, anh không thể dừng lại. Chưa đầy 1 năm, cả 4 thẻ tín dụng đã quá hạn mức.
Koo Young-gyu không dám nói với gia đình về chuyện này. Để trả khoản vay, anh làm nhiều công việc mỗi ngày, vừa trả lãi vừa tìm chỗ vay tiền mới để trả những khoản vay trước đó. Nhưng do làm việc quá sức, anh Koo gặp vấn đề sức khỏe và bị công ty cho thôi việc.
Căn hộ nhỏ nhưng khắp nơi đều là đồ mua chưa bóc hết của Koo Young-gyu. Ảnh: Toutiao
Không có công việc và thu nhập ổn định khiến việc trả nợ càng thêm khó khăn. Koo Young-gyu làm giả thông tin và lợi dụng kẽ hở của hệ thống ngân hàng để vay tiền. Nhưng sự việc nhanh chóng bị vạch trần, người đàn ông không thể vay thêm tiền và cũng không thể trả các khoản vay trước đó. Vô số cuộc gọi từ các công ty tài chính đòi nợ mỗi người khiến anh Koo suy sụp.
Gia đình cũng biết đến số nợ này khiến Koo Young-gyu thậm chí còn chọn đi tới bước đường cùng nhưng không thành. Mãi đến năm 2018, sau khi khai báo phá sản cá nhân thành công, mọi khoản nợ của người đàn ông này mới được xóa.
Vậy tại sao những người trẻ không đủ khả năng mua hàng hiệu lại bất chấp tiêu xài hoang phí đến vậy? “Đây là một hội chứng hàng hiệu, giống như hội chứng ăn kiêng và phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc”, Cho Hyun-joo, giám đốc điều hành của Tập đoàn Starcom nhận định.
Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Ảnh: SCMP
So với các quốc gia khác, người Hàn Quốc có phần coi trọng hình ảnh cá nhân hơn. Một người càng có ngoại hình cao cấp và mặc đồ xa xỉ thì càng dễ nhận được sự tôn trọng trong xã hội nên mọi người đều "chạy đua" để sắm hàng hiệu, chăm chút cho vẻ bề ngoài bằng mọi giá. Niềm vui ngay tức khắc khiến một bộ phận người trẻ yêu thích việc mua sắm, ăn uống sang chảnh để tận hưởng cảm giác giàu có dù phải vay tín dụng.
Vậy nên tại xứ sở kim chi, không hiếm những thanh niên như Koo Young-gyu, phải gánh những khoản nợ khổng lồ vì mua những món đồ quá khả năng chi tiêu. Năm 2020, hơn 400.000 người tại quốc gia này được cho là đang đi vay nặng lãi, khoản vay ước tính 7.100 tỷ won. Nhưng có rất ít người “may mắn” có thể nộp đơn phá sản cá nhân như anh Koo và phải nhận về hậu quả lâu dài cho cả bản thân lẫn gia đình.
Theo ChannelNewsAsia, Toutiao