Nghịch lý ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: Đằng sau đà tăng trưởng 5,2% là xu hướng ‘thắt lưng buộc bụng’, chỗ nào cũng cắt giảm lương, áp lực tài chính lan rộng

An Chi | 07:42 17/07/2025

Dù tăng trưởng 5,2% trong quý II, song kinh tế Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu.

Nghịch lý ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: Đằng sau đà tăng trưởng 5,2% là xu hướng ‘thắt lưng buộc bụng’, chỗ nào cũng cắt giảm lương, áp lực tài chính lan rộng

Zhang Jinming, nhân viên của một doanh nghiệp bất động sản nhà nước ở Trung Quốc, phải tranh thủ 3 tiếng mỗi tối và cả cuối tuần để giao đồ ăn, vì thu nhập chính bị cắt giảm. Từ mức lương 5.500 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 18,2 triệu đồng), Zhang chỉ còn nhận được 4.200 tệ (khoảng 13,9 triệu đồng). Áp lực tài chính ngày càng đè nặng, khiến người đàn ông 30 tuổi này buộc phải lao động thêm sau giờ làm chính.

Zhang không muốn gặp đồng nghiệp trong bộ đồng phục giao đồ ăn, nhưng thực tế đã khiến anh không còn lựa chọn. Mỗi tối, Zhang cố gắng chạy xe đến gần 11 giờ rưỡi đêm, chỉ mong kiếm thêm khoảng 60–70 tệ (gần 200.000 – 230.000 đồng). 

Trong bối cảnh nhiều đồng nghiệp của anh đã nghỉ việc vì thu nhập sụt giảm, Zhang vừa chịu thêm khối lượng công việc, vừa gồng gánh áp lực tài chính.

Dù nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khá ấn tượng 5,2% trong quý II vừa qua, phần lớn nhờ vào mô hình xuất khẩu mạnh mẽ, nhưng đằng sau những con số lạc quan đó là những vết rạn nứt. 

Nhu cầu trong nước yếu đi đang kéo theo xu hướng chậm thanh toán các loại hợp đồng, ngay cả ở những ngành mũi nhọn như ô tô, điện tử và dịch vụ công - nơi mà các doanh nghiệp thường thuộc sở hữu của chính quyền địa phương cũng chịu áp lực nợ nần. Các nhà máy bị tác động bởi thuế quan từ Mỹ nay buộc phải tiết kiệm tối đa, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động.

Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu giữa lúc căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng đang làm lợi nhuận công nghiệp sụt giảm, gây ra hiện tượng giảm phát tại cổng nhà máy, dù khối lượng hàng xuất vẫn tăng. Khi doanh thu đi xuống, các công ty tìm cách cắt giảm chi phí và người lao động là đối tượng phải gánh chịu đầu tiên. 

Chính điều này khiến các doanh nghiệp nhà nước, như nơi Zhang làm việc, cũng rơi vào cảnh thâm hụt ngân sách, buộc phải cắt giảm lương. Trong khi đó, hệ thống tài chính cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể các khoản nợ xấu trong bối cảnh các ngân hàng tăng cho vay.

Chuyên gia Max Zenglein thuộc tổ chức Conference Board khu vực châu Á - Thái Bình Dương gọi Trung Quốc hiện nay là một nền kinh tế “hai tốc độ”. Theo ông, ngành công nghiệp nước này vẫn tăng trưởng mạnh, nhưng tiêu dùng trong nước thì èo uột. Một phần nguyên nhân nằm ở chính sách tập trung hỗ trợ khu vực xuất khẩu, thay vì đầu tư vào y tế, giáo dục hay nâng cao an sinh xã hội để kích thích tiêu dùng hộ gia đình.

Ở Quảng Tây, thầy giáo trẻ 28 tuổi tên là Huang cũng đang lâm vào cảnh lao đao. Anh chưa nhận được lương khoảng 3 tháng qua do trường phải chờ ngân sách từ chính quyền địa phương. Dù mức lương chính thức là 5.000 tệ (khoảng 16,5 triệu đồng), Huang giờ chỉ sống dựa vào bố mẹ. “Tôi không dám nghỉ việc. Nếu tôi có vợ, có con, có khoản vay mua nhà, mua xe, thì áp lực sẽ không thể tưởng tượng nổi.”

Không có số liệu chính thức về tình trạng nợ lương trong khu vực công, nhưng trong khu vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành có vai trò ưu tiên như điện tử, ô tô, các khoản thanh toán quá hạn đang gia tăng nhanh chóng. 

Trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 5, số hợp đồng thanh toán chậm trong ngành thiết bị điện tử và truyền thông tăng 16,6%, ngành sản xuất ô tô tăng 11,2%, vượt xa mức trung bình 9% của toàn ngành. Lĩnh vực cấp nước và khí đốt cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 17,1% và 11,1% trong nợ quá hạn.

Theo chuyên gia Liao Minxiong của TS Lombard khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đây là dấu hiệu của tình trạng căng thẳng thanh khoản, bắt nguồn từ việc nhà chức trách ưu tiên sản lượng hơn là nhu cầu thực tế. Hệ quả tất yếu là tăng trưởng ở các ngành công nghiệp “trụ cột” sẽ chậm lại trong tương lai.

Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nhưng với đà giảm phát kéo dài, người dân có xu hướng trì hoãn chi tiêu để chờ giá rẻ hơn, làm trầm trọng thêm vòng xoáy giảm sút.

Ở tỉnh Giang Tô - một trong những trung tâm xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất Trung Quốc, cô gái trẻ Huang Tingting, 20 tuổi, đã nghỉ việc phục vụ tại nhà hàng sau khi lượng khách giảm mạnh vào tháng 4  khi căng thẳng thương mại với Mỹ lên cao. 

Chủ quán yêu cầu nhân viên nghỉ không lương 4 ngày mỗi tháng để cắt giảm chi phí. “Tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà và sống qua ngày,” Huang nói. 

Nếu như trước đây cô có thể tìm việc mới trong vòng một đến hai ngày, thì nay đã thất nghiệp từ tháng 6. “Một vị trí tôi ứng tuyển, có tới hơn 10 người cạnh tranh,” cô kể.

Tham khảo Reuters


(0) Bình luận
Nghịch lý ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới: Đằng sau đà tăng trưởng 5,2% là xu hướng ‘thắt lưng buộc bụng’, chỗ nào cũng cắt giảm lương, áp lực tài chính lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO