Người giàu vẫn mạnh tay chi tiền
Theo thông tin cập nhật giao dịch từ nhà sản xuất túi Birkin Hermes, chủ sở hữu Gucci Kering, gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oreal và công ty rượu mạnh Pernod Ricard, bỏ qua mức giá của những món đồ xa xỉ ngày càng tăng cao, những người chi tiêu giàu có đang tiếp tục vung tiền vào những thứ xa xỉ như những chiếc túi xách có giá 10.000 USD, nước hoa cao cấp và đồ uống.
Điều đáng chú ý là với việc giá cả được thiết lập tăng cao hơn nữa, các nhà phân tích đang đặt câu hỏi rằng sự bùng nổ này sẽ kéo dài bao lâu khi những người giàu có quyết định thắt lưng buộc bụng?
Hermes và Pernod Ricard đều cho biết họ sẽ tiếp tục tăng giá do chi phí cao hơn, sau khi doanh đạt được doanh thu vượt kì vọng trong quý 3 năm nay. Doanh số này được thúc đẩy bởi những người Mỹ đang quay trở lại châu Á và châu Âu du lịch và tận dụng lợi thế của đồng USD tăng mạnh.
Trung Quốc cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ đối với Hermes và Pernod sau khi các hạn chế về phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Các nhà phân tích đang xem xét kĩ lưỡng các dấu hiệu về sự bùng nổ chi tiêu sau đại dịch sau thời gian bị kìm nén do dịch Covid-19 có thể kéo dài bao lâu, khi ngày càng có nhiều người tự thưởng cho mình những món đồ cao cấp hay những chai rượu sâm panh đắt tiền. Phần lớn các Giám đốc điều hành đều đang gạt những lo lắng đó sang một bên.
Ông Jean-Marc Duplaix, Giám đốc tài chính của tập đoàn Kering, sở hữu hàng loạt thương nhiệu cao cấp như Gucci, YSL cho biết: “Mặc dù có thể không chắc chắn về sức mua của người tiêu dùng trong tương lai, nhưng chúng tôi đã có những sự chuẩn bị vững chắc về tài chính nên về dài hạn, mọi thứ vẫn rất an toàn.”
Ông Duplaix nói thêm rằng khi hoạt động kinh doanh những sản phẩm hướng đến phân khúc khách hàng giàu có ở Mỹ vẫn diễn ra mạnh mẽ thì một số sản phẩm có giá rẻ hơn lại mang lại doanh thu kém hiệu quả hơn.
Những thương hiệu cao cấp có khả năng chiếm thị phần trong quý 4 hoặc từ năm sau khi người tiêu dùng ngày càng đổ xô đến những tên tuổi nổi tiếng nhất.
Ông Flavio Cereda, một nhà phân tích tại Jefferies, dự đoán các nhãn hiệu mạnh hơn như Chanel, Hermes, Louis Vuitton và Dior sẽ đẩy nhanh thị phần vào cuối năm nay.
Bà Sophie Lund-Yates, Nhà phân tích cổ phiếu hàng đầu tại Hargreaves Lansdown, nói về Hermes, cho biết: “Thị trường cao cấp này hấp dẫn hơn nhiều so với các công ty tiêu dùng nhỏ lẻ khác trong bối cảnh hiện tại.”
Jefferies dự báo tăng trưởng doanh số của ngành sẽ đạt 13% trong năm nay và 7% trong năm tới.
Sẽ tiếp tục tăng giá
Pernod Ricard, công ty đã tăng giá các sản phẩm của mình khoảng 7% trên toàn cầu trong quý 3 cho biết họ tự tin rằng doanh số bán hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tài chính 2023 khi chứng kiến ngày càng nhiều người tiêu dùng mua các loại rượu mạnh cao cấp của họ.
Hermes, công ty đang có danh sách dài những khách hàng chờ đợi những chiếc túi xách có giá đến 10.000 USD của họ có kế hoạch sẽ tăng giá mạnh trong năm tới với mức tăng từ 5 – 10%, tiếp bước của những gã khổng lồ xa xỉ tăng giá trong suốt đại dịch.
Cả Hermes và Kering đều cho rằng các nhà cung cấp đang phải chịu áp lực từ lạm phát tăng cao, bao gồm cả nguyên liệu và chi phí năng lượng.
Các công ty phục vụ cho người tiêu dùng ở phân khúc tầm trung cho đến nay cũng có thể tăng giá, thông tin cập nhật giao dịch từ hai công ty tiêu dùng lớn nhất thế giới, Nestle và Procter & Gamble cho thấy trong tuần này. Người mua sắm tiếp tục trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng như cà phê Nescafe và dao cạo râu Gillette bất chấp lạm phát tăng cao.
Theo Reuters