Ngày càng nhiều người trẻ muốn về nông thôn làm việc, muốn thực tập phải đăng ký trước, bị phỏng vấn gắt gao

Vũ Anh | 10:12 10/09/2024

Bỏ phố về quê đang trở thành xu hướng.

Ngày càng nhiều người trẻ muốn về nông thôn làm việc, muốn thực tập phải đăng ký trước, bị phỏng vấn gắt gao

Liu Yuyang mất 50 phút đi tàu cao tốc từ Tây An đến Phật Bình. Quãng đường xa xôi không làm cô gái trẻ nản lòng, mà ngược lại, thêm phấn khích trước vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên. 

Liu là sinh viên năm thứ ba tại Đại học nghiên cứu quốc tế Tây An chuyên ngành quản lý du lịch, bị thu hút bởi vẻ đẹp vùng nông thôn sau khi tình cờ thấy một quảng cáo về ‘Nông dân mới’ - sáng kiến của chính phủ kết nối sinh viên, người sáng tạo nội dung và người làm việc tự do với các doanh nghiệp nông thôn. Đọc qua tuyển dụng nhân viên cho một nhà nghỉ ở làng, Liu cảm thấy đây là cơ hội lý tưởng để lĩnh hội kiến thức thực tế, vừa là dịp trải nghiệm cuộc sống vùng quê. 

Cùng lúc đó, Xu Wen, người đang học Khoa học lưu trữ tại Đại học Tây Bắc ở Tây An, cũng đến Phật Bình bắt đầu làm việc tại nhà nghỉ. Kỳ trải nghiệm này kéo dài 1 tháng. “Chỉ có những trải nghiệm mới mới giúp bạn phát triển bản thân hơn nữa”, cô nói.

Trong thời gian đó, Xu làm việc ở quầy lễ tân, chuẩn bị phòng và học cách quản lý một doanh nghiệp du lịch. Phần lớn không liên quan đến việc học ở thành phố, song cô gái trẻ vẫn khám phá ra được một chủ đề thú vị cho luận án của mình: Cách quản lý mang lại lợi ích cho du lịch văn hóa nông thôn.

Theo công ty lữ hành trực tuyến Trip.com, đơn vị hợp tác thực hiện chương trình ‘Nông dân mới’, hàng nghìn đơn đăng ký của sinh viên đã được ghi nhận. 

“Khao khát về vùng nông thôn của người trẻ lớn hơn những gì chúng tôi tưởng tượng. Sức sống mà họ mang theo đến các vùng nông thôn, cũng như sự sẵn lòng làm việc vượt quá mong đợi của chúng tôi”, đơn vị này cho biết.

Cui Jia, sinh viên ngành nhân chủng học tại Đại học Thượng Hải, bắt đầu kỳ thực tập kéo dài 3 tháng tại Ecoland Club Farm - không gian cộng đồng ngoại ô dành cho các gia đình ở quận Phụng Hiền, phía nam Thượng Hải. Các đồng nghiệp chủ yếu cũng là sinh viên đại học hoặc sau đại học.

Chia sẻ với Sixth Tone, Cui Jia cho biết, đây là trải nghiệm đáng nhớ đối với những người đứng giữa ngã ba đường, không chắc chắn nên theo con đường nào hay phân vân mở rộng triển vọng việc làm hay không. Ban đầu, cô chọn thực tập vì muốn theo đuổi một dự án nghiên cứu, song sau cùng, trải nghiệm quý báu khiến cô suy nghĩ nhiều hơn về sự lựa chọn của riêng mình.

Qiu Tian, một trong những thực tập sinh năm nay tại Ecoland Club Farm, cũng đã có một góc nhìn hơi khác. Anh thấy mình học hỏi được rất nhiều điều sau khi được xếp vào nhóm công nhân nông trại nam, chủ yếu ở độ tuổi 70. 

Tìm được một vị trí thực tập tại trang trại không dễ. Dựa trên thông tin tuyển dụng được đăng tải bởi FoodThink, một nền tảng thông tin nông nghiệp của Trung Quốc, các ứng viên phải điền vào một mẫu đơn đăng ký chi tiết và trải qua một số vòng phỏng vấn. Thời gian thực tập kéo dài 3 tháng đến 1 năm.

capture.jpg
Bỏ phố về quê đang trở thành xu hướng.

Gao Meiying, người quản lý chương trình, cho biết nền tảng này đã hoàn thành ba vòng tuyển dụng kể từ tháng 11/2021. 64 trong số 170 ứng viên nhận được suất thực tập vào năm thứ ba. 

“Mỗi năm, số lượng ứng viên ngày càng tăng. Họ không chỉ học kiến thức mà còn được khám phá phiên bản mới của chính mình”, cô nói thêm.

Theo các cố vấn nghề nghiệp tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải và Đại học Sư phạm Hoa Đông Thượng Hải, sinh viên Gen Z đang đa dạng hóa các lựa chọn thực tập và duy trì thái độ cởi mở. Ngày càng nhiều người coi trọng những kinh nghiệm thực tế hơn là ỉ đi theo một con đường mòn mưu sinh.

Trước đó, mạng xã hội cũng dậy sóng câu chuyện người phụ nữ 30 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ tại ngôi trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc, quyết định từ bỏ công việc lương cao về quê làm nông, trồng dưa hấu. Câu chuyện dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội về việc liệu giới trẻ có đang chú trọng quá mức việc cân bằng cuộc sống.

Theo SCMP, cô gái này tên Doudou, hiện đang là nông dân trồng dưa hấu tại tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Cô cho biết muốn “làm hài lòng” bản thân và trải nghiệm nhiều thứ trong cuộc sống.

Trước đó, Doudou đã từ bỏ công việc marketing tại các công ty trò chơi trực tuyến hàng đầu 3 lần trong vòng 5 năm. Sau đó, quá chán nản với công việc áp lực, lặp đi lặp lại, Doudou quyết định thoát khỏi ngành này hoàn toàn.

“Nếu làm mãi một việc trong khoảng thời gian dài, tôi sẽ cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, tôi nghỉ việc với hy vọng tìm được thứ gì đó mới mẻ”, Doudou nói.

Đồng áng là công việc Doudou lựa chọn. Với cô, trở thành nông dân chính là một trong những mơ ước trong đời.

Cùng với cô, người bạn thân Sansan cũng thành lập công ty nhỏ tại quê hương Tế Nam, thủ phủ của Sơn Đông. Giống Doudou, Sansan cũng không hứng thú với công việc cũ tại một công ty dạy thêm tư nhân.

“Cha mẹ tôi không biết tôi đã là một nông dân trồng dưa. Họ nghĩ tôi vẫn đang làm việc trong công ty trò chơi đó,” Doudou nói. “Tôi định sẽ kể mọi chuyện vào đúng mùa dưa chín, tiện thể gửi một ít cho họ luôn”.

“Tôi muốn làm điều gì đó để bản thân hài lòng. Làm đồng khiến tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích mọi người làm theo mình. Hoàn cảnh của họ khác với tôi. Tôi còn trẻ, còn độc thân nên có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì mình muốn”, cô nói.

Bên cạnh một số ý kiến trái chiều cho rằng Doudou đã bỏ phí tấm bằng đại học, rất nhiều người khen ngợi sự dũng cảm của cô gái trẻ.

“Tôi phải nói rằng cô ấy có suy nghĩ rất rõ ràng,” một người viết trên Weibo bình luận. “Tôi cũng muốn sống theo cách mình thích”.

Theo: Sixth Tone, SCMP 


Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngày càng nhiều người trẻ muốn về nông thôn làm việc, muốn thực tập phải đăng ký trước, bị phỏng vấn gắt gao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO