Theo tờ SCMP, nhiều ngân hàng cứu tế lương thực tại Nhật Bản đang lo lắng khi nhu cầu cần cứu trợ của người nghèo nước này ngày một tăng nhưng lượng thực phẩm quyên góp có hạn. Đó là chưa kể đến đà lạm phát khiến việc thu mua lương thực cứu giúp người nghèo càng trở nên khó khăn hơn.
Tồi tệ hơn, nhiều ngân hàng lương thực cứu tế còn bức xúc chuyện các hãng thực phẩm tiêu hủy sản phẩm khi gần ngày hết hạn sử dụng trong khi chúng có thể dùng để cứu đói cho một bộ phận người nghèo.
“Về cơ bản thì chúng ta không có sự bảo đảm hoàn toàn về an ninh lương thực cho những người nghèo. Vẫn còn quá nhiều người không đủ ăn vì thiếu sự giúp đỡ từ xã hội. Mặc dù có những sự trợ giúp từ chính phủ như các khoản an sinh xã hội nhưng chẳng có cơ quan nào phát lương thực, nhất là trong bối cảnh lạm phát hiện nay”, quản lý Iruma Tanaka của Liên hiệp các ngân hàng cứu tế lương thực Nhật Bản (AJF) nhận định.
Theo ông Tanaka, tình hình trợ giúp người nghèo tại Nhật Bản trước đại dịch Covid-19 khá sáng sủa bởi với dân số già, thiếu lao động thì nhu cầu kiếm người làm là rất lớn. Mặc dù vậy, phần lớn các công việc tuyển dụng lại là bán thời gian với lợi ích cơ bản, dễ dàng bị mất việc khi đại dịch hay khủng hoảng bùng phát.
“Những công việc bán thời gian này thường được làm bởi những lao động có trình độ thấp và cần được xã hội giúp đỡ khi họ thất nghiệp. Họ cũng là những người không biết cách xin thêm trợ cấp xã hội do bị hạn chế tiếp cận thông tin hoặc chỉ đơn giản là thiếu kiến thức”, ông Tanaka cho biết.
Phần lớn những người nghèo thất nghiệp ở Nhật Bản sẽ tìm đến các ngân hàng cứu trợ lương thực, nhất là trong khoảng thời gian này khi lạm phát tăng cao, đồng Yên mất giá khiến những nhu yếu phẩm như thức ăn trở nên đắt đỏ hơn.
Thông thường, những cá nhân hay các siêu thị nhỏ là đối tượng hay quyên góp lương thực nhiều nhất cho các ngân hàng cứu trợ. Đấy có thể là những sản phẩm bị lỗi do liên quan đến nhãn mác, hoa quả có chút dập nát hay hàng đã gần hết hạn sử dụng hoặc khó bán. Thế nhưng theo SCMP, hiện nay ngay cả những sản phẩm này cũng được các cá nhân hay nhân viên sử dụng luôn chứ đừng nói là quyên góp.
Nghiên cứu của Teikoku Databank vào tháng 9/2022 cho thấy giá của khoảng 10.000 sản phẩm từ 105 nhà cung ứng trên toàn quốc sẽ tăng giá trong vòng 3 tháng tới. Trên thực tế, giá của 10.000 sản phẩm lương thực này đã tăng giá kể từ đầu năm nay.
“Đà tăng giá lương thực đang khiến nhiều người nghèo gặp khó khăn, và họ chỉ còn biết tìm đến chúng tôi”, ông Tanaka lo lắng.
Ngày càng khó khăn
Ông Charles McJilton đã thành lập tổ chức từ thiện Second Harvest Japan cách đây 23 năm tại Nhật Bản và cho biết đang có sự thay đổi đối tượng đến nhờ giúp đỡ hiện nay. Trước đây, những người nhập cư và nước ngoài mới là đối tượng thường xuyên đến các tổ chức từ thiện như Second Harvest để nhờ giúp đỡ. Vậy nhưng hiện nay ngay cả những bà mẹ đơn thân hay người già cũng phải nhờ cậy tổ chức từ thiện này.
Tình hình càng trở nên xấu đi kể từ năm 2019 khi bộ luật mới áp dụng cho các siêu thị nhằm giảm lượng thực phẩm tiêu hủy. Nhiều chuỗi siêu thị đã lách luật bằng cách hạ giá bán các sản phẩm này thay vì quyên góp chúng cho ngân hàng cứu trợ nhằm đảm bảo được doanh số.
Theo ông McJilton, trước đây Walmart là một trong những chuỗi siêu thị có quyên góp nhiều nhất cho Second Harvest Japan. Thậm chí họ đã được trao giải thưởng về thành tựu quyên góp này khi các nhân viên Walmart tình nguyện tham gia những hoạt động cứu tế.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã chấm dứt kể từ khi hoạt động của Walmart tại Nhật được mua lại bởi tập đoàn nội địa Seiyn GK, vốn được sở hữu một phần bởi Rakuten Inc. Cả 2 tập đoàn này đều là những thương hiệu nổi tiếng có nhiều chi nhánh ở các quốc gia khác nhau với nhân viên lên đến hàng nghìn người.
Kể từ sau khi bị mua lại, hoạt động quyên góp đã bị dừng hoàn toàn. Nhà sáng lập McJlton tỏ ra khá thất vọng khi các siêu thị này luôn nhắc đến phát triển bền vững nhưng lại từ bỏ con đường giúp đỡ người nghèo Nhật Bản.
Đáp trả, phía Rakuten có công bố chính thức rằng việc chấm dứt các hoạt động cứu tế này không phải quyết định của Rakuten hay một hành động có chủ đích nào cả. Câu chuyện đơn giản là tập đoàn đang tái cấu trúc lại hoạt động trên mọi mặt và họ đã quyết định dừng chương trình quyên góp lương thực để đánh giá xem có phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của hãng hay không.
Trong khi đó, nhà sáng lập McJilton nhấn mạnh việc quyên góp lương thực sắp hết hạn không tốn quá nhiều chi phí của công ty khi sản phẩm sẽ bị tiêu hủy sau đó nếu không bán được nữa. Đây cũng được coi là một cách để quảng cáo cũng như nâng cao hình ảnh thương hiệu với cả xã hội lẫn những nhân viên trong công ty.
“Vậy nhưng giờ đây chúng tôi lại phải đi tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ khác nữa”. ông McJilton chán nản.
Tồi tệ hơn, ông McJilton lo ngại những rắc rối của nền kinh tế vĩ mô sẽ khiến ngày càng nhiều người nghèo Nhật Bản xin giúp đỡ, trong khi nguồn cung lương thực cứu tế có hạn.
“Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu cần cứu trợ của người nghèo ngày một cao. Theo ước tính của tôi thì chỉ 3-4 tháng nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người cần cứu trợ lương thực hơn rất rất nhiều”, ông McJilton lo lắng nói.
*Nguồn: SCMP