Theo báo cáo hợp nhất quý 2/2022, tỷ lệ nợ xấu của NCB tăng vọt từ 3,73% hồi đầu năm lên 11,05% vào cuối tháng 6/2022. Điều này có nghĩa là cứ 100 đồng nhà băng này cho vay khách hàng, thì có 11 đồng là nợ xấu. Trong khi phần lớn các ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3% thì mức nợ xấu 11% của NCB là con số cao.
Sở dĩ phần lớn các ngân hàng kiểm soát nợ xấu dưới ngưỡng 3% vì con số là một ngưỡng quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng. Khi ngân hàng nào có tỉ lệ xấu vượt 3% sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu của NCB đạt mức 4.900 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với hồi đầu năm, cao gấp gần 8 lần so với mức 616 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi tỷ lệ nợ xấu cao “ngất ngưỡng” thì hoạt động kinh doanh của NCB lại báo lỗ trước thuế 6,4 tỷ đồng trong Quý 2/2022.
Nguyên nhân do nhiều mảng thu nhập chính của NCB bị giảm sút trong quý 2/2022. So với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần của NCB giảm gần 24% xuống còn 193 tỷ đồng, lãi thuần từ dịch vụ giảm 66% xuống mức 26 tỷ đồng. Mặc dù, thu nhập từ các mảng khác như kinh doanh ngoại hối hay chứng khoán đầu tư có cải thiện nhưng không đáng kể khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 52%.
Đồng thời, trong quý 2/2022 NCB cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro lên hơn 60 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước do nợ xấu tăng vọt, một trong những nguyên nhân khiến NCB lỗ trước thuế 6,4 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của NCB chỉ vỏn vẹn 19 tỷ đồng, giảm 84,8% so với cùng kỳ.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của NCB đạt 75.469 tỷ đồng, tăng 2,3% so với hồi đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 6,6% đạt 44.355 tỷ đồng, trích lập dự phòng tăng 24% lên 859 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng giảm 2% so với đầu năm đạt 63.203 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm khiến giá cổ phiếu NVB trên thị trường chứng khoán không mấy khả quan. Tính từ hổi đầu tháng 7, mã cổ phiếu NVB chưa có phiên nào tăng giá mà chỉ có 9 phiên đứng giá và 3 phiên giảm giá.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/7, cổ phiếu NVB đang được giao dịch với giá 29.500 đồng/cp, giảm 200 đồng/cp so với phiên giao dịch trước đó. Tính từ 1/7/2022, cổ phiếu NVB đã giảm 1.500 đồng/cp, tương đương giảm hơn 4,8%.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân được thành lập từ năm 1995, từ một ngân hàng nông thôn, NCB đã chuyển đổi quy mô thành ngân hàng đô thị. Năm 2010, cổ phiếu của ngân hàng được niêm yết và giao dịch trên sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Hiện bà Bùi Thị Thanh Hương (sinh năm 1980) đang là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng NCB. Trước đó, bà Hương đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng. Bà Hương từng là Phó Giám đốc Khối Tài Chính, Kế toán truởng tại SeABank.