Theo hãng tin CNN, giá trứng trên thế giới đã tăng mạng trong 1 năm qua vì dịch cúm gia cầm cũng như cuộc xung đột Ukraine đã khiến nguồn cung phân bón và thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng.
Tại Mỹ, mặt hàng trứng gà được đánh giá là có mức tăng giá nhanh hơn nhiều so với những loại thực phẩm khác với tỷ lệ 60% trong 12 tháng qua tính đến tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước.
Tại Nhật Bản, giá bán buôn trứng gà cũng lên mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Tuy nhiên tại New Zealand, quốc gia tiêu thụ nhiều trứng gà nhất thế giới với bình quân mỗi người dân dùng khoảng 237 quả trứng mỗi năm, sự khan hiếm trứng gà thậm chí còn tạo nên một cuộc khủng hoảng.
Xin được nhắc lại là mảng nông nghiệp, bao gồm cả những sản phẩm như cừu, lúa mỳ và phô mai chiếm đến gần 80% kim ngạch xuất khẩu của New Zealand.
Điên cuồng vì trứng gà
Ngoài yếu tố lạm phát, việc chính phủ New Zealand ban hành những quy định mới về chăn nuôi gia cầm đã khiến ngày càng nhiều người dân đổ xô đi nuôi gà để tự cung ứng trứng cho gia đình mình.
Trả lời hãng tin CNN, trang Trade Me cho biết số lượng tìm kiếm mua gà và các thiết bị chăn nuôi gia cầm đã tăng tới 190% trong tháng vừa qua so với cùng kỳ tháng trước.
“Kể từ đầu tháng 1/2023, chúng tôi đã chứng kiến đến hơn 65.000 lượt tìm kiếm mua gà và các dụng cụ chăn nuôi liên quan như chuồng, thức ăn”, người phát ngôn Millie Silvester của Trade Me cho biết.
Sự khan hiếm trứng gà đã khiến ngay cả những chủ xưởng bánh như anh Ron Van Til tại Christchurch-New Zealand phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác thay thế. Trong 4 tháng qua, giá bán buôn trứng gà đã tăng tới 50%.
“Tất cả mọi người hiện nay đều tìm cách tự nuôi gà vì họ chẳng thể mua chúng ngoài chợ với mức giá hợp lý”, anh Ron ngán ngẩm khi cho biết chị của mình cũng bán gà trên Trade Me nhưng với giá cao gấp đôi thông thường.
Cuộc khủng hoảng này đã khiến nhiều tổ chức bảo vệ động vật phải lên tiếng, cảnh báo về tâm lý bốc đồng, chạy theo đám đông của người dân trong bối cảnh thiếu trứng gà cục bộ như hiện nay.
“Con gà có thể sống khá lâu. Tuổi thọ của nó là từ 8 đến 10 năm tùy vào giống và môi trường chăn nuôi. Bởi vậy xin mọi người đừng lo lắng nếu sợ thiếu trứng gà và đổ xô đi tìm nuôi chúng vì điều đó sẽ không diễn ra trong dài hạn”, CEO Gabby Clezy của tổ chức bảo vệ động vật “SPCA” tại New Zealand nói.
Ngoài ra, cô Clezy còn cho biết gà không đẻ trứng trong toàn bộ vòng đời của chúng mà thói quen sinh sản chỉ diễn ra khi đủ tuổi cũng như tùy thuộc vào môi trường chăn nuôi.
Đồng quan điểm, trang Trade Me cũng cảnh báo người dân New Zealand nên suy xét kỹ lưỡng trước khi chạy theo số đông mua gà với giá cao ngất ngưởng như hiện nay.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã từng cảnh báo việc tự ý nuôi gia cầm tại nhà bởi việc xử lý không cẩn thận trứng của chúng có thể dẫn đến lây nhiễm vi trùng liên quan đến khuẩn salmonella.
Giải phóng gà công nghiệp
Một yếu tố quan trọng khiến cuộc khủng hoảng thiếu trứng gà trở nên trầm trọng ở New Zealand là bộ luật chăn nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Theo đó, New Zealand cấm việc nuôi gà kiểu công nghiệp, nghĩa là nhốt các con gà trong những chuồng chăn nuôi chật chội, thúc ăn và đẻ kiểu công nghiệp một cách vô nhân đạo.
Trên thực tế, đạo luật này đã được thông qua từ năm 2012 và New Zealand đặt ra lộ trình 10 năm để dịch chuyển từ chăn nuôi gà công nghiệp sang dạng thả rông. Khoảng thời gian này được cho là vừa đủ để các trang trại nhập khẩu thiết bị từ Châu Âu để chuyển đổi mô hình chăn nuôi.
Tuy nhiên, tờ New York Times cho hay suốt khoảng thời gian qua chỉ có 1/3 tổng số trang trại tại New Zealand là thực hiện chuyển đổi, nhiều trang trại lớn còn phải chi đến hàng chục triệu USD để làm điều này.
Trước sự chậm trễ đó, 2 chuỗi siêu thị lớn ở New Zealand là Woolworths và Foodstuff vào năm 2017 đã tuyên bố sẽ không chấp nhận nhập trứng gà công nghiệp kể từ năm 2025.
Chính sự gấp gáp này đã khiến ngành chăn nuôi gia cầm tại New Zealand gặp khá nhiều khó khăn, qua đó ảnh hưởng đến nguồn cung trứng gà khi nhiều trang trại quyết định từ bỏ ngành, hoặc chỉ đơn giản là chưa thể khôi phục sản lượng sau khi chuyển đổi mô hình.
Chuyên gia kinh tế Brad Olsen của Viện Infometrics cho hay sản lượng trứng gà cung ứng của New Zealand đã giảm 9% trong giai đoạn tháng 6/2021-tháng 6/2022. Đây là mức giảm kỷ lục trong lịch sử của nền kinh tế có chủ đạo xuất khẩu là nông nghiệp này.
Ngoài yếu tố chi phí chuyển đổi đắt đỏ nhằm đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ động vật như quy định của chính phủ, việc tìm kiếm quỹ đất để có đủ không gian thả rông nuôi gà với số lượng lớn cũng là vấn đề.
Chuỗi siêu thị Foodstuff, nơi áp dụng chính sách cấm trứng gà công nghiệp đã phải ban bố quy định chỉ bán số lượng trứng nhất định cho mỗi người mua.
“Đây là cơn địa chấn của ngành trứng gà. Chúng tôi đang phải làm việc với nhà cung cấp để tăng mua những loại trứng khác nhằm bù đắp nhu cầu cao hiện nay”, người phụ trách mảng truyền thông Emma Wooster của Foodstuff thú nhận.
*Nguồn: CNN, New York Times