Nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát ải suy thoái mặc FED tăng nóng lãi suất nhờ một yếu tố “hãm phanh”, chuyên gia lắc đầu: “Không bền vững”

Anh Dũng | 08:45 01/11/2023

Bối cảnh kinh tế chung đang khiến yếu tố then chốt này trở nên “không bền vững”.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát ải suy thoái mặc FED tăng nóng lãi suất nhờ một yếu tố “hãm phanh”, chuyên gia lắc đầu: “Không bền vững”
Hình minh hoạ: Sarah Grillo/Axios

Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc người tiêu dùng chi tiêu vượt dự đoán, bất chấp lạm phát và lãi suất tăng. Nhưng một số nhà kinh tế bắt đầu đặt câu hỏi rằng hiệu họ sẽ duy trì tốc độ chi tiêu đó trong bao lâu.

“Không bền vững” là cách một số nhà kinh tế mô tả thông tin mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Lý do chính là vì người dân đang giảm tiết kiệm.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Phân tích Kinh tế, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm từ mức 4% trong tháng 8 xuống 3,4% trong tháng 9. Đây là mức giảm mạnh, vì tỷ lệ tiết kiệm giai đoạn đại dịch tăng tới 32% (tháng 4/2020). Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,7% trong tháng 9, mức tăng mạnh vượt dự đoán của Phố Wall.

Nhà kinh tế cấp cao Kayla Bruun của Morning Consult cho biết: “Sự gia tăng chi tiêu gần đây có thể không bền vững”. Các hộ gia đình có thể phải giảm chi hoặc dựa nhiều hơn vào vay nợ trong tương lai.

“Lý do chính khiến chúng tôi cho rằng tốc độ chi tiêu này không bền vững là vì chúng tôi xem xét các động lực cơ bản của chi tiêu. Chúng không phải là nguồn chi tiêu bền vững và đáng tin cậy nhất”, nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của EY nói.

Ông Daco cho biết, tăng trưởng thu nhập thực mới là chìa khóa cho tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng lành mạnh, nhưng hiện nó đang giảm dần. Theo dữ liệu của chính phủ, thu nhập thực tế của cá nhân sau thuế và điều chỉnh theo lạm phát đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp sau một năm tăng trưởng.

Nhà kinh tế trưởng lưu ý rằng không ai có thể chi tiêu mãi bằng tiền tiết kiệm. Mọi người cần chi tiêu nhất quán dựa trên thu nhập của mình. Do đó, nhà kinh tế cấp cao Lydia Boussour của EY cũng dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng sẽ giảm sút vào năm 2024.

Nhiều người Mỹ đã phải chứng kiến số tiền tiết kiệm của họ giảm đi do giá cả tăng và lãi vay ngày càng cao. Cụ thể, một cuộc khảo sát gần đây từ Bankrate cho thấy, gần 1/3 số người dân Mỹ có ít tiền tiết kiệm hơn so với đầu năm 2023.

Trong thời kỳ đại dịch, các khoản kích thích của chính phủ và hạn chế chi tiêu đã cho phép người Mỹ tiết kiệm được nhiều tiền hơn bình thường. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang, từ năm 2019 đến năm 2022, giá trị tài sản ròng của một hộ gia đình trung bình ở Mỹ đã tăng 37%.

Nhưng lạm phát và lãi suất cao tác động đến người tiêu dùng trong năm 2023. Các vết nứt đã xuất hiện trên bảng thu chi của hộ gia đình trong năm qua. Tỷ lệ lỡ hạn trả các khoản vay mua ô tô và thanh toán thẻ tín dụng ngày càng tăng.

Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho biết số tiền tiết kiệm tích góp trong đại dịch của các hộ gia đình thu nhập trung bình và thu nhập thấp dường như đã cạn kiệt. Trong khi đó, kỳ nghỉ lễ lớn trong năm đang đến gần, đồng nghĩa họ phải chi tiêu nhiều hơn.

Thêm vào đó, không cứ chi tiêu nhiều là giàu có, nhất là khi một phần của cải của người tiêu dùng nằm trong các tài sản phi tiền mặt như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tham khảo Market Watch


(0) Bình luận
Nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát ải suy thoái mặc FED tăng nóng lãi suất nhờ một yếu tố “hãm phanh”, chuyên gia lắc đầu: “Không bền vững”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO