Trên toàn cầu, chi phí nợ của các công ty điện tái tạo là 6%, thấp hơn so với con số 6,7% của các công ty điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tương tự, các công ty điện tập trung vào năng lượng tái tạo có chi phí vốn chủ sở hữu (15,2%) thấp hơn so với các công ty dựa vào nhiên liệu hóa thạch (16,4%).
Ở châu Âu, chi phí chênh lệch vốn chủ sở hữu giữa các công ty điện lực có hàm lượng carbon thấp hơn và các công ty cùng ngành có hàm lượng carbon cao hơn đã ngày càng gia tăng theo thời gian.
Đơn cử, từ năm 2015, các công ty có tỷ lệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió cao hơn trong cơ cấu năng lượng của họ đã giảm chi phí vốn chủ sở hữu từ 17% xuống 14%, trong khi những công ty có tỷ lệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió thấp hơn lại có xu hướng ngược lại. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư vốn chủ sở hữu có tầm nhìn xa hơn ở châu Âu dự đoán rằng rủi ro chuyển đổi liên quan đến nhiên liệu hóa thạch sẽ sớm tăng lên.
Theo Oxford, khai thác than có chi phí vốn cao nhất, với chi phí nợ tăng lên 7,9% vào năm 2021 và chi phí vốn chủ sở hữu tăng lên 18,2%, tiếp theo là sản xuất dầu khí và nhiên liệu tái tạo. Kể từ năm 2016, chi phí vay nợ để huy động vốn cho năng lượng tái tạo và công nghệ đang có xu hướng giảm, trong khi chi phí nợ cho khai thác than lại tăng lên. Ở châu Âu, sản xuất dầu khí có chi phí vốn chủ sở hữu cao nhất.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine, vốn đã khiến giá dầu và khí đốt tăng lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, càng thúc đẩy các nền kinh tế từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển dòng vốn sang năng lượng sạch.
Trọng tâm để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là chuyển một lượng lớn vốn vào năng lượng carbon thấp và giá cung cấp năng lượng tái tạo phụ thuộc rất nhiều vào chi phí vốn. Chi phí vốn hoạt động như một cơ chế truyền tải chính giữa hệ thống tài chính và nền kinh tế thực, ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của cả các tổ chức tài chính lẫn doanh nghiệp, do đó đòi hỏi phải giảm chi phí vốn cho năng lượng sạch. Tiền lệ ở châu Âu cho thấy rằng các chính sách môi trường quan trọng trong việc định giá tài sản, có thể đóng vai trò là mô hình cho Bắc Mỹ, nơi hành động chống biến đổi khí hậu ít nhất quán hơn.
Tiến sĩ Ben Caldecott, Giám đốc Nhóm Tài chính Bền vững Oxford, cho biết: “Chi phí vốn là yếu tố chính quyết định tổng chi phí của các công nghệ năng lượng khác nhau và phản ánh những rủi ro mà thị trường tài chính nhận thấy, ví dụ, tốc độ thay thế than đá bằng năng lượng tái tạo”.
Theo Tiến sĩ Gireesh Shrimali, tác giả chính của nghiên cứu, ở Bắc Mỹ không thấy xu hướng nhất quán về chi phí vốn cho năng lượng tái tạo so với nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên cũng cần phải tìm hiểu xem liệu bối cảnh chính sách ở khu vực này có thể thay đổi hay không, đặc biệt là với những thay đổi lớn như Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ gần đây.