Theo Bảng xếp hạng 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương vừa được The Asian Banker công bố dựa trên 12 tiêu chí, 19 ngân hàng thương mại Việt Nam và 1 ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam góp mặt trong danh sách.
Trong số các ngân hàng Việt Nam được nêu tên, TPBank xếp hạng cao nhất (đứng thứ 61), trên cả 4 ngân hàng vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, cũng như 2 ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn nhất là VPBank và Techcombank. Trong bảng xếp hạng năm ngoái, TPBank chỉ đứng thứ 7 trong số các ngân hàng Việt Nam, dẫn đầu là Vietcombank, Techcombank và Vietinbank.
Thứ hạng năm nay của TPBank dựa trên điểm số cao ở nhiều tiêu chí như tỷ lệ an toàn vốn, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, thanh khoản,… Ngoài ra, TPBank còn được biết đến với nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ trong giới ngân hàng.
Tại sự kiện FPT Techday tuần trước, ông Tống Văn Tiến - Giám đốc Giải pháp Mua ngoài và Quan hệ Đối tác của TPBank cho biết ngân hàng này đang áp dụng cloud và AI (trí tuệ nhân tạo) trong hoạt động kinh doanh, nhằm tối ưu trải nghiệm khách hàng và giải phóng sức lao động.
“AI có thể thay đổi cách thức hoạt động của ngành ngân hàng, với dẫn chứng trước hết là live-bank, voice-bank. Khách hàng không cần mang bất cứ giấy tờ nào. Live-bank có thể nhận diện hàng triệu khách hàng thông qua gương mặt, vân tay và hỗ trợ thực hiện tất cả các giao dịch”, ông Tiến phát biểu.
Ứng dụng trên điện thoại của TPBank cũng áp dụng AI để cá nhân hóa theo sở thích người dùng, giúp khách hàng “hạnh phúc hơn”.
"Chúng tôi hiểu mỗi người đều đặc biệt và có đặc trưng tính cách riêng, nên tiếp cận với mỗi khách hàng theo một cách khác nhau. Chúng tôi muốn thay đổi cách thức người dùng tương tác với ngân hàng”, ông Tiến bày tỏ.
Tính năng nổi bật đầu tiên của ngân hàng số TPBank là cho phép người dùng sử dụng nickname tự đặt theo ý muốn, thay vì phải nhớ số tài khoản. Tiếp đó, khách hàng có thể dùng gương mặt, hoặc chat với tổng đài viên ngay trên ứng dụng để thực hiện các giao dịch, hoặc giao dịch bằng giọng nói.
“Mỗi người đều có tính cách riêng, muốn có trải nghiệm UI/UX khác nhau và background (phông nền) nào đó cho ứng dụng của họ. Chúng tôi có thể giúp khách hàng thiết kế giao diện cá nhân theo sở thích thông qua tính năng MeZone, mang đến trải nghiệm giao dịch khác biệt”, ông Tiến trình bày.
Mặc dù AI có thể tạo ra những thay đổi lớn trong thiết kế trải nghiệm khách hàng, ông Tiến nhấn mạnh đây chỉ là một công nghệ. Để AI hoạt động hiệu quả, cần có dữ liệu lớn, dữ liệu sạch và có ý nghĩa. Ông Tiến cho biết nếu không có những thành tố này và hệ sinh thái không đủ lớn, AI sẽ không có tác dụng.
“TPBank không chỉ tập trung vào PoC (Proof of Concept) – nghĩa là hệ thống hoạt động như thế nào về mặt kỹ thuật, mà chúng tôi luôn nói về PoV (Proof of Value) – tức là giải pháp mang lại giá trị gì cho chúng tôi”.
“Tôi muốn nói rằng khách hàng luôn là điểm khởi đầu của TPBank. Chúng tôi muốn làm tất cả hạnh phúc. Chiến lược của TP Bank là “lifestyle banking” – ngân hàng phong cách, giúp mọi người thực hiện các công việc với ngân hàng một cách đơn giản và nhẹ nhàng”, ông Tiến chia sẻ.