Vào tháng 6 năm 2021, một người đàn ông họ Đào ở Thành Đô, Trung Quốc đã đến một siêu thị mới khai trương gần nhà để mua sắm. Ngày hôm đó, siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng cho khách hàng nên thu hút rất đông người tới. Khi biết được nếu mua hàng với đơn giá hơn 388 NDT, khách hàng có thể có cơ hội bốc thăm trúng thưởng mà giải thưởng lại chính là mua món đồ cao cấp, xa xỉ mình thích với mức giá rẻ nên anh Đào rất hào hứng.
Vì làm trong ngành cung cấp thực phẩm nên người đàn ông này thường sử dụng nhiều gạo, mì, ngũ cốc và dầu hơn so với người khác. Hơn nữa, để có thêm cơ hội sở hữu món đồ mình yêu thích, anh Đào đã chi gần 30.000 NDT để mua 280 bao gạo (tương ứng với 6,7 tấn). Sau khi thanh toán, anh Đào lấy hóa đơn mua sắm để đổi lấy nhiều cơ hội rút thăm trúng thưởng và may mắn mua được 9 món hàng mình yêu thích với giá cực hời.
Ảnh minh họa: 163.com
Tuy nhiên, khi nhìn thấy “giỏ hàng” quá lớn, người đàn ông này không thể mang về hết một lần được nên quyết định tạm gửi số gạo này trong siêu thị, còn bản thân mang “giải thưởng 9 món” về trước, hôm sau sẽ tới nhận số hàng còn lại về. Tuy nhiên, khi mang xe đến nhận gạo vào ngày hôm sau, anh Đào sững sờ khi nhân viên siêu thị cho biết số gạo hôm qua mà anh gửi lại đã biến mất. Dù anh có xuất trình hóa đơn làm bằng chứng thì nhân viên bán hàng cũng không thể làm gì được.
Sau đó, anh Đào đến gặp quản lý siêu thị để yêu cầu một lời giải thích thì người này xin thêm thời gian để làm rõ sự tình. Không muốn làm khó bên siêu thị nên anh Đào chấp nhận yêu cầu trên, thế nhưng vài ngày sau đó phía siêu thị vẫn không có lời giải thích nào khiến anh rất tức giận.
Để tìm lại 280 bao gạo của mình, anh Đào đã yêu cầu siêu thị gọi cảnh sát để điều tra sự việc. Kết quả phát hiện sau khi số gạo của anh Đào nhập kho gạo, do sơ suất của siêu thị dẫn đến việc nhân viên partime không biết số gạo này đã có chủ mà xuất bán cho những khách hàng khác. Hóa ra vì ngày khai trương, khách hàng đến quá đông nên siêu thị thiếu nhân lực nên đã mời một số nhân viên parttime đến giúp đỡ. Điều này khiến xuất hiện nhiều sai sót trong quá trình quản lý, vận hành và mất nhiều thời gian hơn để giải quyết vụ việc này.
Theo quy định tại Điều 48, Khoản 8 của “Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng” của Trung Quốc, bên cung cấp cố tình trì hoãn hoặc từ chối một cách vô lý yêu cầu của người tiêu dùng về việc đổi, trả, bổ sung số lượng hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.
Ảnh minh họa: 163.com
Trong trường hợp này, khi siêu thị và anh Đào đã có thỏa thuận rõ ràng về việc bảo quản hàng hóa trước khi giao hàng nhưng phía siêu thị đã không thực hiện nghĩa vụ lưu kho và bảo quản tài sản của khách hàng hợp lý. Dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị thiệt hại, do đó anh Đào có thể yêu cầu đền bù thiệt hại và phía siêu thị phải chịu trách nhiệm theo luật pháp đã quy định.
Nếu việc chịu trách nhiệm theo pháp luật dân sự không thực sự phù hợp với trường hợp của 2 bên thì phía siêu thị cần có biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp để bù đắp thiệt hại cho khách hàng. Việc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào tổn thất thực tế của khách hàng. Cuối cùng, sự việc của anh Đào cũng đã được giải quyết ổn thỏa khi phía siêu thị đã đứng ra xin lỗi và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh Đào.
Câu chuyện này cũng chính là bài học cho nhiều cơ sở kinh doanh, siêu thị hay cửa hàng đang có khâu vận hành và quản lý lỏng lẻo. Nếu vấn đề này không nhanh chóng được khắc phục có thể sẽ gây thất thoát hoặc thiệt hại cho cả cơ sở kinh doanh lẫn người tiêu dùng.
(Theo 163.com)