Một TP trung ương báo cáo thị trường BĐS vẫn ảm đạm

Dy Khoa | 19:00 19/01/2025

Thành phố này nhấn mạnh tình hình giao dịch bất động sản còn chậm.

Một TP trung ương báo cáo thị trường BĐS vẫn ảm đạm

Mới đây, Báo Huế Ngày Nay dẫn báo cáo của Sở Xây dựng TP Huế cho biết thị trường bất động sản địa bàn Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) trong quý 4/2024 và cả năm 2024 nhìn chung vẫn còn trầm, chưa có dấu hiệu khởi sắc, giao dịch về bất động sản diễn ra vẫn còn chậm.

Việc áp dụng Luật Đất đai năm 2024 ban đầu liên quan đến bảng giá đất đã có phần ảnh hưởng đến các giao dịch bất động sản, thể hiện rõ qua số thu thuế về hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay; tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản.

hue-17334720121221595868492.jpg
TP Huế nhận định thị trường bất động sản của địa phương trong năm năm 2024 nhìn chung vẫn còn trầm, chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP Huế cũng nêu tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 4/2024 vẫn yếu so với quý 2 và quý 3 ở hầu hết các ngân hàng. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi.

Hiện nay, một số dự án bất động sản trên địa bàn vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý bao gồm: Việc xác định nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư phải nộp, thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, còn có khó khăn về nguồn vốn (vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng) dẫn đến một số doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.

Liên quan đến tình hình triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội và thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Sở Xây dựng cho biết, tính đến nay, UBND tỉnh (nay là UBND TP Huế), đã chấp thuận đầu tư cho 11 dự án nhà ở xã hội.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để triển khai phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030".

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước và Sở Xây dựng cũng đã phối hợp tổ chức buổi làm việc giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp là chủ đầu tư đang tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội  trên địa bàn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến cho vay xây dựng các dự án nhà ở xã hội.

Năm 2024, kinh tế Huế tăng trưởng 8%

Trước đó, vào ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với 458/461 đại biểu tham gia (chiếm 95,62% đại biểu tham gia). 

Theo nghị quyết, thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là hơn 4.900km2 và quy mô dân số là khoảng 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2025.

thua-thien-hue-dat-tieu-chi-do-thi-loai-i.jpg
Năm 2025, địa phương này tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đạt hơn 8%, có 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.840 USD.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 12.880 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD.

Năm 2025, địa phương xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Địa phương tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa.

Huế sẽ phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu...


(0) Bình luận
Một TP trung ương báo cáo thị trường BĐS vẫn ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO