Một sự kiện 'trái hoàn toàn' so với dự đoán diễn ra ở nền kinh tế hàng đầu châu Á, chuyên gia cảnh báo đang gây sức ép lớn cho thị trường toàn cầu

Vu Lam | 16:59 19/12/2024

Sản lượng than của Trung Quốc tăng bùng nổ đang vượt xa nhu cầu vào đầu mùa đông này, dẫn đến khối lượng tồn kho tăng cao và giá giảm mạnh. Trong khi đó, giới phân tích dự đoán đà giảm sẽ còn tiêu cực hơn nữa.

Một sự kiện 'trái hoàn toàn' so với dự đoán diễn ra ở nền kinh tế hàng đầu châu Á, chuyên gia cảnh báo đang gây sức ép lớn cho thị trường toàn cầu

Theo Oilprice, giá than của các nhà máy điện tại Trung Quốc đã giảm khoảng 9% kể từ cuối tháng 9 xuống mức thấp nhất trong 18 tháng là 790 Nhân dân tệ (180 USD)/tấn. Nhu cầu với nhiên liệu hoá thạch thường tăng lên khi mùa đông đến gần và thúc đẩy nhu cầu điện. Tuy nhiên, lượng tồn kho quá lớn cùng tăng trưởng kinh tế chậm chạp đang tạo áp lực cho giá loại hàng hoá này. 

Han Lei, nhà phân tích tại Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo ngày 18/12: “'Trận lũ' hàng tồn kho đang đè nén thị trường. Các nhà máy điện đang bán tháo than tồn kho, nguồn cung quá lớn.”

Han nói thêm rằng giá than có thể giảm xuống khoảng 730 Nhân dân tệ/tấn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu vào cuối tháng 1 sau đó mới hồi phục. Tuy nhiên, đà tăng mạnh sẽ mất nhiều thời gian để đạt được nếu hàng tồn kho vẫn ở mức cao. 

Lượng than tồn kho của Trung Quốc tăng cao do sản lượng trong nước tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước và lượng nhập khẩu vẫn cao hơn khi Bắc Kinh ưu tiên vấn đề an ninh năng lượng hơn là cắt giảm khí thải. Hoạt động khai thác than trong nước được đẩy mạnh từ năm 2022, khi mâu thuẫn Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng lên cao và dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. 

Nền kinh tế lớn nhất châu Á chiếm hơn 1 nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu. Việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch đang khiến “cuộc chiến” kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên khó khăn hơn. 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo rằng nhu cầu than trên toàn thế giới sẽ đạt mức kỷ lục mới cho đến ít nhất là năm 2027, trái ngược với ước tính hồi năm ngoái rằng nhu cầu đã đạt đỉnh. IEA cho biết nhu cầu than đá đã phá thêm một kỷ lục nữa trong năm nay, tăng 1% lên 8,77 tỷ tấn. Đà tăng này được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất điện, với sản lượng điện đốt than cũng ghi nhận mức kỷ lục vào năm 2024, ở mức 10.700 TWh.

Theo dữ liệu mới nhất, lượng than tồn kho của Trung Quốc tăng 12% trong 2 tháng tính đến tháng 10. Chính quyền nước này dường như không quá lo ngại về tình trạng cung vượt cầu, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc gia đặt mục tiêu khai thác kỷ lục 4,8 tỷ tấn than vào năm 2025, chỉ cao hơn một chút so với năm nay. 

China International Capital Corp., công ty quản lý đầu tư đa quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, dự đoán trong tháng này, nhu cầu than của Trung Quốc sẽ tăng 2,3% vào năm tới. Cùng với việc sản lượng tăng 1,2%, thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng, dù giá trung bình có thể thấp hơn năm nay. 

Theo Coal Logistics, tâm lý thị trường đang khá bi quan và người mua đang né tránh thị trường giao ngay vì đang chờ giá xuống đáy. Trong khi đó, số lượng tàu neo đậu tại các cảng than quanh Biển Bột Hải chỉ bằng khoảng 1 nửa so với cùng thời điểm năm ngoái, cho thấy nhu cầu đang suy yếu. 

Trong tương lai, Trung Quốc được dự đoán là nước tiêu thụ hydrocarbon nhiều nhất, chiếm 30% nhu cầu than đá so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Ấn Độ cũng sẽ là động lực chính khác của nhu cầu than đá mặc dù việc bổ sung năng lượng gió và năng lượng mặt trời tăng đột biến. 2 nền kinh tế này, cùng với các nền kinh tế khác ưu tiên an ninh năng lượng hơn là khí thải, sẽ tiếp tục tạo ra nhiều năm kỷ lục về nhu cầu than.

Tham khảo Oilprice


(0) Bình luận
Một sự kiện 'trái hoàn toàn' so với dự đoán diễn ra ở nền kinh tế hàng đầu châu Á, chuyên gia cảnh báo đang gây sức ép lớn cho thị trường toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO