Kỳ nghỉ lễ vào tháng 12 năm ngoái đã tiếp tục thúc đẩy lượng kiều hối mà người Philippines gửi về từ nước ngoài “đạt mức cao nhất mọi thời đại là 38,34 tỷ USD vào năm 2024”, Philstar dẫn báo cáo của Ngân hàng Trung ương Philippines -Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) cho biết.
Dữ liệu từ BSP cho thấy kiều hối cá nhân - tổng số tiền lương ròng, chuyển nhượng cá nhân và chuyển nhượng vốn giữa các hộ gia đình - đạt 38,34 tỷ USD vào năm 2024, cao hơn 3% so với mức 37,21 tỷ USD của năm trước.
Con số cao kỷ lục này là nhờ lượng kiều hối gửi về nước đạt 3,73 tỷ USD chỉ riêng trong tháng 12, tăng 3% so với mức 3,62 tỷ USD của cùng thời kỳ năm trước đó.
John Paolo Rivera, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines, cho biết sự tăng trưởng của lượng kiều hối vào năm 2024 là nhờ vào khả năng phục hồi liên tục của nhóm lao động Philippines ở nước ngoài (OFW) trong việc hỗ trợ nền kinh tế Philippines.

“Sự phục hồi kinh tế bền vững ở Hoa Kỳ, Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương đã dẫn đến mức lương cao hơn và cơ hội việc làm cho OFW, thúc đẩy kiều hối. Các ngành như chăm sóc sức khỏe, xây dựng và dịch vụ công nghệ thông tin có nhu cầu cao về lao động Philippines”, ông cho biết.
Kiều hối rất quan trọng với kinh tế Philippines
Đồng peso yếu hơn so với đồng đô la trong những tháng trước cũng làm tăng giá trị tiền tệ của kiều hối, thúc đẩy người Philippines di cư gửi nhiều tiền về nhà hơn.
“Tháng 12 chứng kiến sự gia tăng theo mùa khi OFW gửi thêm tiền cho các khoản chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ và hỗ trợ gia đình. Việc áp dụng các nền tảng chuyển tiền kỹ thuật số giúp việc chuyển tiền nhanh hơn và rẻ hơn, khuyến khích dòng kiều hối cao hơn”, Rivera cho biết.

Như vậy, lượng kiều hối năm 2024 chiếm 8,3% GDP.
Mặt khác, lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng cũng tăng 3% lên 34,49 tỷ USD vào năm 2024 so với mức 33,49 tỷ USD vào năm 2023.
Về tổng lượng kiều hối năm ngoái, Hoa Kỳ đứng đầu danh sách với thị phần là 40,6%, tiếp theo là Singapore với 7,2% và Ả Rập Xê Út với 6,4%.
Các nguồn hàng đầu khác bao gồm Nhật Bản, Vương quốc Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Canada, Qatar, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Rivera cho biết kiều hối có khả năng vẫn là động lực tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Philippines.
Kiều hối từ người lao động Philippines ở nước ngoài (OFW) trở thành “nguồn sống” quan trọng cho nền kinh tế Philippines, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Philippines (PIDS) chỉ ra và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách nhìn xa hơn kiều hối và giải quyết những tác động xã hội và cảm xúc phức tạp của di cư lao động.
Nghiên cứu này thừa nhận vai trò quan trọng của OFW trong nền kinh tế Philippines, với lượng kiều hối của họ chiếm gần 10% GDP.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự tan vỡ gia đình nổi lên như một hậu quả rõ rệt, với các mối quan hệ xuyên biên giới trở nên phức tạp và căng thẳng về mặt cảm xúc.