Theo tờ The Guardian, Thụy Điển là quốc gia giàu thứ 5 tại Châu Âu nếu tình GDP bình quân đầu người. Trong khi đó, khí đốt chỉ chiếm 2% nguồn năng lượng sử dụng tại đây khiến cuộc xung đột Ukraine không ảnh hưởng nhiều.
Tỷ lệ đói nghèo của quốc gia này cũng thấp hơn mức bình quân Châu Âu. Tăng trưởng bình quân trong khoảng 2008-2021 của Thụy Điển là 1,7%, cao hơn bình quân 0,85% của Liên minh Châu Âu (EU).
Thế nhưng người dân Thụy Điển lại đang phải xếp hàng từ 6h sáng để xin ăn.
Vậy chuyện gì đang diễn ra? Phải chăng những số liệu trên là giả?
Xin ăn
“Thụy Điển đang có vấn đề về đói nghèo. Chúng ta có thể lờ đi vì những số liệu kinh tế tốt đẹp nhưng sự thật là nó đang tồn tại, thậm chí là ngày càng nghiêm trọng trong năm nay”, nhà sáng lập Johan Rindevall của chuỗi siêu thị lương thực cho người nghèo Matmissionen (Food Mission) khẳng định.
Một hãng truyền thông Phương Tây tường thuật vào 6h sáng tại một nhà ga thủ đô Stockholm-Thụy Điển, hàng dài người vô gia cư đã lặng lẽ xếp hàng dài để xin ăn. Mỗi ngày, hàng chục người lại đến đây để được cấp đồ ăn sáng, bao gồm bánh quế và 1 cốc cà phê.
Theo ông Kavian Ferdowski, nhà sáng lập của Homeless.Life, số lượng người vô gia cư đến đây xin giúp đỡ đã tăng lên mức kỷ lục.
“Trong 13 năm hoạt động của tổ chức Homeless.life, chúng tôi chưa bao giờ tiếp nhận nhiều người đến lấy đồ ăn sáng như thế này. Ngày càng nhiều người đến xếp hàng để xin ăn hoặc mong muốn sự giúp đỡ. Chúng ta đang sống ở một quốc gia giàu có nhưng xã hội lại đang nghèo đi rất nhiều, người dân đang cần được giúp đỡ”, ông Ferdowski nói.
Suốt nhiều năm, Thụy Điển được coi là nước có nền kinh tế ổn định nhất EU. Thế nhưng theo dự đoán của Hội đồng Châu Âu (EC), quốc gia này là nền kinh tế duy nhất trong năm 2023 được dự đoán là có khả năng suy thoái với tỷ lệ lạm phát bình quân lên mức cao kỷ lục 11,7%.
“Ban đầu, làn sóng lạm phát chỉ là giá năng lượng và một số mặt hàng khác nhưng giờ đây nó đã lan rộng ra toàn nền kinh tế. Hậu quả là giờ đây người dân phải chịu nhiều làn sóng lạm phát đè lên nhau, trong đó đối tượng người nghèo là chịu ảnh hưởng nặng nhất”, chuyên gia kinh tế Annika Alexius nhận định.
Tờ The Guardian cho biết giá bơ đã tăng tới 25% trong năm 2022, thịt là 24% còn phô mai là 22%.
Tại một chi nhánh Stockholm Branch của Hội chữ thập đỏ, người dân đến đây khá đông để mua những sản phẩm lương thực ế ẩm hoặc sắp hết hạn của các siêu thị được để lại với giá rẻ.
“Trứng, sữa, bơ là những thức ăn hàng ngày dù không tăng giá gấp đôi thì cũng tăng ít nhất 50%. Thật ra bây giờ mọi người phải thay đổi thói quen ăn uống. Bạn sẽ phải ăn khác đi so với trước đây mới đủ tiền chi tiêu nên những sáng kiến hỗ trợ người dân như thế này rất đáng quý”, cựu luật sư Marianne Orberg ngậm ngùi chia sẻ khi cho biết mình đến đây 2 lần mỗi tuần vì lo sợ khoản tiền tiết kiệm của mình không đủ chi tiêu.
“Trước đây chúng tôi chỉ thấy những người nghèo ở rìa xã hội tới đây, nhưng hiện nay thì khác. Hầu như mọi gia đình, từ trẻ em đến người già, những người bệnh hay những người thất nghiệp đều đang phải vật lộn để sinh tồn. Tổng số người nghèo cần giúp đỡ hiện nay trên toàn Thụy Điển vẫn chưa có một con số chính xác để đánh giá tình hình nên chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ vào cuộc để tổ chức một cuộc điều tra nghiêm túc”, quản lý Martin Arnlov của Tổ chức chữ thập đỏ chi nhánh Thụy Điển lo lắng.
Một nơi đáng sống?
Theo Tổng cục thống kê Thụy Điển (CSO), số liệu mới nhất đến năm 2022 cho thấy gần 15% dân số Thụy Điển có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo. Đây là tầng lớp có thu nhập không quá 60% so với mức thu nhập bình quân cả nước. Con số này cao gấp đôi so với chỉ 7% đầu thập niên 1990.
Nếu tính theo %GDP thì chỉ có 2/28 nước thành viên EU là đầu tư ít ngân sách hơn Thụy Điển trong việc chống lạm phát cho các hộ gia đình.
Tuy nhiên, thứ khiến người dân Thụy Điển nghèo nhanh chủ yếu đến từ giá nhà khi 70% dân số nước này có sở hữu bất động sản để ở. Tờ The Guardian nhận định cú xì hơi bong bóng bất động sản tại Thụy Điển thuộc hàng tệ nhất EU.
Thế rồi để chống lạm phát, ngân hàng trung ương Thụy Điển buộc phải nâng lãi suất, khiến vô số người mua nhà vay thế chấp phải tốn thêm chi phí trả lãi ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Alexius cho biết bà không ngạc nhiên với thông tin Thụy Điển có thể là nền kinh tế duy nhất suy thoái tại EU trong năm nay.
Với việc giá bất động sản giảm tới 10% riêng trong tháng 1/2023, nhiều người lo ngại rằng cuộc suy thoái kinh tế lần này tại Thụy Điển sẽ không kết thúc sớm.
“Thụy Điển có thể vẫn là một quốc gia đáng sống, thế nhưng nền kinh tế thì vẫn chưa đủ chuẩn bị trước những thay đổi lớn bất ngờ về chi phí sinh hoạt”, nhà sáng lập Ridenvall của Matmissionen nói.
*Nguồn: The Guardian