Một loại nhiên liệu ồ ạt đổ bộ Việt Nam nhờ giá nhập khẩu lao dốc, Ả Rập Xê Út là tay buôn lớn nhất trong 7 tháng đầu năm

Khánh Vy | 10:08 31/08/2023

Giá nhiên liệu này liên tục giảm sâu do khí hậu ôn hòa và lượng hàng tồn kho tại khu vực châu Âu tăng cao.

Một loại nhiên liệu ồ ạt đổ bộ Việt Nam nhờ giá nhập khẩu lao dốc, Ả Rập Xê Út là tay buôn lớn nhất trong 7 tháng đầu năm

Sau Philippines, Việt Nam cũng chính thức bước vào cuộc đua nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), một phần trong định hướng “xanh hóa” của các nước Đông Nam Á. Việc các quốc gia Đông Nam Á sử dụng khí đốt tự nhiên, dần thay thế cho than đá đang biến khu vực này trở thành một thị trường “màu mỡ” cho các nhà cung cấp.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 345 tấn khí đốt hóa lỏng với kim ngạch hơn 158 triệu USD, tăng 143% về lượng và tăng 122% về trị giá so với tháng 6/2023.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 908 triệu USD để nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn khí đốt hóa lỏng từ các thị trường, tăng 60,2% về lượng và tăng 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mức nhập khí đốt hóa lỏng của 7 tháng năm 2023 của Việt Nam bằng 76% tổng lượng nhập của cả năm 2022.

Giá nhập khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt 608 USD/tấn, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất xứ các mặt hàng khí đốt nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Indonesia, Co oét,...

Cụ thể, thị trường Ả Rập Xê Út trong 7 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam nhập hơn 480 nghìn tấn, chiếm hơn 32% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Việt Nam, kim ngạch đạt hơn 284 triệu USD, tăng hơn 190% về lượng và tăng hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út hiện chỉ khoảng 592 USD/tấn, giảm 35,6% so với giá bình quân 7 tháng năm 2022 (918 USD/tấn).

Lượng khí đốt nhập 7 tháng từ Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất dao động gần 307 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 180 triệu USD, tương đương khoảng 589 USD/tấn. Đáng chú ý, trong năm 2022, Việt Nam không nhập một lượng khí đốt nào từ khu vực này.

Với khí đốt nhập từ Indonesia đạt hơn 78 nghìn tấn, tăng gần 50 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 75%. Kim ngạch hơn 42 triệu USD, tăng hơn 16 triệu USD so với năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân từ Indonesia về Việt Nam trong 7 tháng qua là hơn 537 USD/tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022 (907 USD/tấn).

2023 là năm đầu tiên Nga đóng đường ống khí đến Châu Âu như một động thái “đáp trả các quốc gia không thân thiện”. Động thái này làm ảnh hưởng không nhỏ đến phần còn lại của thị trường năng lượng toàn cầu.

kho-cang-pv-gas-2.jpg

Mặt bằng giá khí đốt dao động bất thường chủ yếu vì các quốc gia Châu Âu, thị trường truyền thống của khí đường ống giá rẻ từ Nga, chuyển sang thu mua LNG từ Mỹ và Trung Đông. Giá khí đốt ở Châu Âu liên tục giảm sâu do khí hậu ôn hòa và lượng hàng tồn kho cao. Đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể nhập khẩu và chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG.

Đầu tháng 7, Tổng Công ty Khí Việt Nam đã tiếp nhận lô hàng 70.000 tấn khí LNG đầu tiên nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam đã cập cảng Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo PV GAS, LNG sẽ là sản phẩm chính của công ty trong tương lai. Công ty sẽ đầu tư 195.000 tỷ đồng cho bể chứa và hệ thống phân phối trước năm 2030. Hiện nay cảng Thị Vải có thể tiếp nhận 1 triệu tấn khí LNG và 15 tàu mỗi năm, Nikkei Asia cho hay.

PV Gas sẽ nâng công suất tại cảng Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm. Đồng thời, công ty xây dựng thêm kho cảng LNG thứ hai ở Bình Thuận và tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng kho cảng thứ ba tại khu vực phía Bắc miền Trung.

Công ty đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực này theo định hướng của Chính phủ tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đã có kế hoạch “khai tử” nhiệt điện than - nguồn điện sinh ra nhiều phát thải carbon và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có mảng điện khí. Thủ đô Hà Nội cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện khí LNG trong tổng sản lượng điện từ 0% hiện nay lên 15% vào vào năm 2030.


(0) Bình luận
Một loại nhiên liệu ồ ạt đổ bộ Việt Nam nhờ giá nhập khẩu lao dốc, Ả Rập Xê Út là tay buôn lớn nhất trong 7 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO