Mở cửa thị trường năm Quý Mão 2023, soi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết

Lê Sáng | 11:02 27/01/2023

Mở cửa thị trường chứng khoán năm Quý Mão 2023, kết quả kinh doanh của 440/1609 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết cho thấy bức tranh sơ bộ còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Mở cửa thị trường năm Quý Mão 2023, soi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết
Dù lợi nhuận ghi nhận đến hiện tại là kém tích cực nhưng theo FiinTrade do số lượng doanh nghiệp có ước tính KQKD Q4-2022 chưa đủ lớn nên chưa mang tính đại diện cho toàn ngành hay toàn thị trường.

Theo dữ liệu tổng hợp từ FiinTrade, tính đến ngày 19/1/2023, 440/1609 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 39,2% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM) đã có ước tính về kết quả kinh doanh (KQKD) cho Q4-2022, trong đó bao gồm 12/27 ngân hàng và 421/1518 doanh nghiệp Phi tài chính.

Tính toán sơ bộ của FiinTrade cũng cho thấy tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) Q4-2022 của 440 ngân hàng và doanh nghiệp này giảm -38,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận giảm về lợi nhuận chiếm áp đảo (hơn 60%), cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đang chịu ảnh hưởng rất tiêu cực bởi môi trường lãi suất cao và cầu tiêu dùng trong và ngoài nước suy giảm.

Tuy nhiên, đội ngũ nghiên cứu đến từ FiinGroup cũng lưu ý rằng do số lượng doanh nghiệp có KQKD Q4-2022 chưa đủ lớn nên mức giảm -38,4% về lợi nhuận trong lần cập nhật này chưa mang tính đại diện cho toàn thị trường.

Nhóm ngân hàng nhỏ có lợi nhuận kém tích cực

Theo dữ liệu từ FiinTrade, tính đến thời điểm trước nghỉ Tết Nguyên đán đã có 12/27 ngân hàng niêm yết công bố KQKD Q4-2022. Ngoại trừ 3 ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG và BID) chưa đưa ra báo cáo chính thức, 9 ngân hàng còn lại hầu hết có quy mô nhỏ như VIB, TPB, EIB đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) với lợi nhuận kém tích cực.

Nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận suy giảm theo FiinTrade chủ yếu do một số nguyên nhân như tín dụng tăng thấp, biên lão ròng (NIM) không tiếp tục cải thiện mà giảm nhẹ (chi phí vốn COF tăng +1,5 điểm %so với quý trước (quý 3/2022) và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) tại 9 ngân hàng này tăng từ mức 1,9% trong quý 3 lên 2,5% trong quý 4, mức cao nhất từ 2018 đến nay.

Tuy nhiên, điểm tích cực theo FiinTrad là tình trạng căng thẳng thanh khoản tại 9 ngân hàng này có dấu hiệu dịu bớt khi hệ số LDR thuần (tỷ lệ dư nợ tín dụng/tổng huy động) giảm về 97,2% từ mức 104% trong quý 3.

Theo đó, với mức tăng giá tích cực trong 3 tháng gần đây, có đóng góp đáng kể từ động thái mua ròng của khối ngoại thì định giá nhiều cổ phiếu ngân hàng dựa trên giá trị sổ sách đã tăng trở lại và tiệm cận hay thậm chí vượt mức trung bình 3 năm.

Lợi nhuận khối doanh nghiệp giảm sâu

LNST của 421 doanh nghiệp phi tài chính giảm -70,3% so với cùng kỳ năm 2021 trong quý 4/2022, chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc ngành Thép (HPG), Hóa chất (DGC), Hàng không (HVN), Tiện ích (GAS).

Ở chiều ngược lại, trong số hơn 130 doanh nghiệp có LNST Q4-2022 tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đáng chú ý là nhóm Dịch vụ dầu khí (PVS, PVB) và Chế biến thực phẩm (VSF, SAF, HNF).

Tuy nhiên, giá cổ phiếu PVS và PVB đã hồi phục mạnh, tăng trên 50% từ giữa tháng 11/2022 (một phần được hỗ trợ bởi kỳ vọng liên quan đến dự án Block B Ô Môn), trong khi cổ phiếu nhóm Chế biến thực phẩm gần như không có thanh khoản.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thuộc nhóm đầu tư công (Vật liệu xây dựng) cũng có lợi nhuận cải thiện đáng kể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Mở cửa thị trường năm Quý Mão 2023, soi kết quả kinh doanh các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO