Máy bay nổ tung ở độ cao hơn 10.000m, nữ tiếp viên vẫn thoát chết thần kỳ: Bí mật được giải mã sau hàng chục năm

Ánh Lê | 11:01 11/08/2023

"Bẻ cong" mọi định luật thông thường, nữ tiếp viên này đã ghi tên mình vào kỷ lục Guinness với việc sống sót kỳ diệu dù rơi từ độ cao 10.160m.

Máy bay nổ tung ở độ cao hơn 10.000m, nữ tiếp viên vẫn thoát chết thần kỳ: Bí mật được giải mã sau hàng chục năm

Vào ngày 26 tháng 1 năm 1972, một thảm họa hàng không kinh hoàng đã xảy ra và cướp đi sinh mạng của 27 người trên máy bay số hiệu JAT367 của hãng hàng không Jat Airways. 

Nguyên nhân vụ nổ

Theo lịch trình, chiếc máy bay khởi hành từ Stockholm (Thụy Điển) đến Beograd (Serbia) với các điểm dừng ở Copenhagen (Đan Mạch) và Zagreb (Croatia). Khi đang ở độ cao 10.160m và bay ngang qua những rặng núi bị tuyết bao phủ thì chiếc máy bay này bỗng nổ tung giữa bầu trời. Vesna Vulovic - nữ tiếp viên hàng không phục vụ trên chuyến bay là người duy nhất may mắn sống sót trong thảm kịch.

Nữ tiếp viên Vesna Vulovic (1972). Ảnh: Guinnessworldrecords

Hơn 50 năm trôi qua, đây vẫn là trường hợp thoát chết kỳ diệu nhất trong lịch sử ngành hàng không.

Theo trang Guinnessworldrecords, vụ nổ xảy ra ở khoang hành lý phía trước đã khiến máy bay vỡ thành 3 mảnh và rơi ở độ cao hơn 10.000m. Các nhà điều tra nghi ngờ một thiết bị phát nổ đã được lén gài bên trong máy bay khi nó quá cảnh ở một sân bay tại Copenhagen, Đan Mạch. Khi cabin giảm áp suất, các hành khách và phi hành đoàn được cho là đã bị hút ra khỏi máy bay trong nhiệt độ đóng băng rồi rơi xuống đất và tử vong.

Phần đuôi của chiếc máy bay gặp nạn vào năm 1972. Ảnh: Daily Record

Bí ẩn sau sự sống sót thần kỳ

Sau khi thảm họa máy bay xảy ra, sự sống sót thần kỳ của nữ tiếp viên Vesna Vulovic trở thành “bí ẩn” mà cả thế giới nóng lòng muốn tìm ra lời giải. Bởi hầu như tất cả những trường hợp rơi từ độ cao 10.000m đều không có cơ hội sống nào. Vậy kỳ tích này xảy ra như thế nào?

Theo trang Guinnessworldrecords, chuyên gia tin rằng nữ tiếp viên này sống sót nhờ bị kẹt trong ống xả hình nón ở đuôi máy bay. Điều này khiến cô không bị hút ra ngoài khi máy bay phát nổ và giúp giảm va chạm khi rơi xuống. Hơn nữa, khi thân máy bay rơi xuống không chạm đất trực tiếp mà xuyên qua các cành thông rồi cắm vào lớp tuyết dày nên giảm được lực va chạm và lực tác động. Do đó, dù bị thương nặng nhưng Vesna vẫn giữ được tính mạng.

Vesna Vulovic (2008). Ảnh: Guinnessworldrecords

 May mắn tiếp tục mỉm cười với Vesna khi cô được Bruno Honke - một cựu bác sĩ sống gần đó, tìm thấy từ trong đống đổ nát. Người này nhanh chóng tiến hành những bước sơ cứu quan trọng trước khi lực lượng cứu hộ đến.

Ngoài ra, mãi đến những năm trung niên, nữ tiếp viên năm xưa mới tiết lộ cô đã mắc bệnh tim bẩm sinh và huyết áp thấp. Lẽ ra Vesna Vulovic không bao giờ được chấp nhận làm công việc “bay” trên trời. Tuy nhiên, cô đã gian lận bằng cách uống thật nhiều cà phê đen để tăng huyết áp và vượt qua bài kiểm tra sức khỏe trót lọt trong ngày phỏng vấn cho hãng Jat Airways.

Các bác sĩ của Vesna cũng xác định rằng căn bệnh huyết áp thấp cũng làm cô gái này nhanh chóng bất tỉnh khi cabin giảm áp suất và khiến tim cô không bị hiện tượng “nổ tim” thảm khốc như người bình thường khi còn ở trên máy bay.

Ban đầu, Vesna bị nứt hộp sọ, gãy hai chân, gãy ba đốt sống, gãy xương chậu, gãy một số xương sườn và liệt tạm thời phần dưới thắt lưng. Tuy nhiên cô đã có thể đi lại sau mười tháng, mặc dù phải đi khập khiễng vĩnh viễn do cột sống bị trẹo. Cô ấy không nhớ gì về vụ tai nạn hay bất cứ điều gì xảy ra khi thảm họa hàng không này xảy ra.

Sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn, Vulovic ngay lập tức được ca ngợi như người hùng. Tại quê hương Nam Tư, Vesna đã trở thành một biểu tượng quốc gia và được Tổng thống Nam Tư, Josip Broz Tito tổ chức buổi lễ trang trọng chào đón khi trở về.

Nữ tiếp viên này cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sĩ và là khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình vào giờ vàng. Sau khi hồi phục sức khỏe, Vesna tiếp tục làm việc cho JAT Airlines nhưng được bố trí công việc bàn giấy tại trụ sở của hãng hàng không này.  

Năm 1985, Vulovic còn được Sách Kỷ lục Guinness mời đến London để nhận giải thưởng cho kỷ lục sống sót từ cú rơi ở độ cao lớn nhất. Guinness còn cho biết, đáng lẽ ra Vulvovic không có mặt trên chuyến bay tử thần đó. Như định mệnh đã sắp đặt, cô đã nhầm lẫn lịch bay của mình với một nữ tiếp viên khác cũng có tên Vesna.

 Tháng 12 năm 2016, Vesna Vulovic qua đời ở tuổi 66 tại thành phố Belgrade, Serbia. 

(Theo Guinnessworldrecords)


(0) Bình luận
Máy bay nổ tung ở độ cao hơn 10.000m, nữ tiếp viên vẫn thoát chết thần kỳ: Bí mật được giải mã sau hàng chục năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO