Công ty cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố việc chào bán ra công chúng 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Số tiền thu về được dùng để thanh toán các khoản nợ trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng Ba và tháng Tư năm 2023.
Việc phát hành trái phiếu ra công chúng phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý. Toàn bộ trái phiếu sau khi phát hành ra công chúng đều được giao dịch công khai trên Sở giao dịch chứng khoán như các cổ phiếu, tuy hình thức tính giá và giao dịch có đôi chút khác biệt về mặt kỹ thuật do đặc thù sản phẩm.
Tiêu chuẩn phát hành khắt khe
Trong văn bản công bố thông tin, Masan cho biết công ty đáp ứng đầy đủ 9 điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng. Có thể kể đến các điều kiện về quy mô vốn điều lệ (trên 30 tỷ đồng), hiệu quả hoạt động kinh doanh năm liền trước (có lãi), không có lỗ tích lũy, không có các khoản nợ quá hạn,...
Ngoài ra, Masan cũng công bố công khai các chỉ tiêu tài chính ba kỳ gần nhất đã được kiểm toán hoặc soát xét, bao gồm năm 2020, 2021 và nửa năm 2022. Các chỉ tiêu tài chính này nhà đầu tư đều có thể kiểm tra dễ dàng thông qua báo cáo tài chính của Masan được công bố công khai trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và website chính thức của công ty.
Những sự cố liên quan đến trái phiếu của An Đông (công ty thành viên của Vạn Thịnh Phát) và các công ty con của Tân Hoàng Minh trong thời gian gần đây đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Với hình thức phát hành này, hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ đều không nắm được các thông tin cơ bản về tình hình tài chính cũng như các điều khoản phát hành của doanh nghiệp, do mua lại qua một đơn vị trung gian và không được tư vấn đầy đủ thông tin cũng như những rủi ro có thể gặp phải.
Phát hành ra công chúng và đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán (như hình thức của Masan) khắc phục những khiếm khuyết nói trên của hình thức phát hành riêng lẻ.
Việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành là điều kiện tiên quyết cho một thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh. Với một thị trường lành mạnh, mọi nhà đầu tư tham gia đều được cung cấp đầy đủ thông tin và ý thức được mức độ rủi ro của từng sản phẩm.
Hồ sơ tín dụng mạnh
Báo cáo của Masan cho biết công ty phát hành trái phiếu để thanh toán một phần hoặc toàn bộ cho hai lô trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng Ba và tháng Tư năm 2023. Tổng giá trị phát hành của hai lô trái phiếu này là 5.000 tỷ đồng - cao hơn 1.000 tỷ đồng so với giá trị của lô trái phiếu Masan sắp phát hành.
Đáng chú ý, hai lô trái phiếu nói trên cũng đã được Masan phát hành ra công chúng với thông tin đầy đủ vào năm 2020. Toàn bộ số lượng trái phiếu dự kiến phát hành cho hai lô trái phiếu đã được nhà đầu tư cá nhân và tổ chức mua hết, tỷ lệ phát hành đạt 100%.
Trong một báo cáo mới đây của IFR (International Financing Review) - tạp chí Tài chính Quốc tế, Thành viên Sở giao dịch Chứng khoán London, hồ sơ tín dụng (credit profile) của Masan được đánh giá là mạnh (strong). Với hồ sơ tín dụng mạnh, Masan đã thành công trong việc kêu gọi một khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD từ các tổ chức quốc tế hồi tháng 7/2022. Masan là một trong số ít các doanh nghiệp trong nước đủ tiêu chuẩn gọi các khoản vay hợp vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
Hai lô trái phiếu của Masan dự kiến sẽ được phát hành vào Quý I và Quý II/2023, mỗi lô có giá trị 2.000 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu được tính bằng mức bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng của 4 ngân hàng tham chiếu (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MBBank) cộng thêm 4,1%. Mức lãi suất cộng thêm (premium) này là tương đối cao so với các lô trái phiếu mà Masan đã phát hành trước đó (thường xung quanh 3-3,5%).