Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động thu hồi nợ của một số doanh nghiệp đòi nợ thuê đã cho thấy có nhiều dấu hiệu cực đoan, với hành vi đe doạ, khủng bố tinh thần một số người vay tiền trong thời gian qua đang bị các cơ quan công an ở các địa phương trên cả nước xử lý, khởi tố hình sự nếu vi phạm pháp luật.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc chỉ đạo xử lý các công ty đòi nợ thuê, khởi tố vụ án và bị can với các cá nhân có hành vi sai phạm hình sự cho thấy Bộ Công an đang quyết liệt xử lý tình trạng đòi nợ thuê cực đoan, nhằm bảo vệ người dân.
Liên quan đến những động thái quyết liệt vừa qua của cơ quan chức năng trong việc xử lý các doanh nghiệp đòi nợ thuê vi phạm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng cần tách bạch hoạt động đòi nợ thuê sai phạm, tức có hành vi đe doạ, khủng bố, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản... với các dịch vụ thu hồi nợ đang hoạt động bình thường. Cần chấp thuận thu hồi nợ như một dịch vụ chính thức, được pháp luật quản lý, để bảo vệ người vay tiền và cả doanh nghiệp cho vay.
"Cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm để xảy ra biến tướng trong hoạt động thu hồi nợ", Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Dẫn trường hợp của F88, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng F88 là doanh nghiệp cầm đồ, về bản chất là có tài sản đảm bảo, nên vấn đề nợ xấu và thu hồi nợ không khó khăn bằng các doanh nghiệp cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) như Home Credit, FE Credit... trong khi, các công ty này lại đang cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu khách hàng.
Do đó, theo ông Đức, vấn đề thu hồi nợ hiện nay của các công ty đang cung cấp dịch vụ cho vay tín chấp là thực sự nhức nhối.
Theo ông Đức, về nguyên tắc, mọi tổ chức, cá nhân đề bình đẳng trước pháp luật, việc bảo vệ người dân, cụ thể người cho vay là cần thiết, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng cần bảo vệ cả người cho vay và cung cấp dịch vụ cầm đồ, tức các doanh nghiệp cho vay.
Cũng theo ông Đức, có thể thấy, đến nay, Bộ Công an kiểm tra qua điều tra các doanh nghiệp hiện vẫn chưa công bố sai phạm cụ thể nào trong chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài các vi phạm hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi người vay, cho thấy vấn đề toàn ngành hiện đang gặp vướng là tính pháp lý trong thu hồi nợ.
Theo các chuyên gia, những động thái quyết liệt trong việc kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy mục tiêu rất rõ ràng là nhằm chấn chỉnh, đảm bảo các hoạt động kinh doanh phải minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Bình luận về các hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp cầm đồ và doanh nghiệp tài chính tiêu dùng, trao đổi trên báo chí, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi các tổ chức tín dụng cho vay chính thức không đáp ứng hết nhu cầu của thực tế đời sống thì cần phát triển các định chế gắn với tài chính vi mô và ''uốn nắn'' các hoạt động cho vay này, để đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu mặt trái của quá trình phát triển.
Ngoài việc kiểm tra, chấn chỉnh, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý, để minh bạch hoạt động cho vay, hạn chế hệ lụy xã hội không mong muốn trong thu hồi nợ vay.