Giữa cơn bão khám xét các công ty tài chính, nhìn sang FE Credit, ông lớn nhiều "tai tiếng" và có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành

Lê Sáng | 10:29 29/03/2023

FE Credit hiện đang nợ đến 6.400 tỷ đồng trái phiếu và lỗ đến hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Giữa cơn bão khám xét các công ty tài chính, nhìn sang FE Credit, ông lớn nhiều "tai tiếng" và có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành
FE Credit đang nợ 6.400 tỷ đồng trái phiếu. Ảnh: Int

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) hiện đang lưu hành 21 mã trái phiếu với tổng cộng 6.400 trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.

Đáng chú ý, trong số 6.400 tỷ đồng nợ trái phiếu của FE Credit có đến 13 mã trái phiếu sẽ đáo hạn trong một vài tháng tới (từ tháng 5-7/2023).

Trong bối cảnh áp lực trả nợ hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu đang cận kề, tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình kinh doanh của FE Credit lại không mấy tích cực trong năm 2022.

fe-credit-trai-phieu.png
Nguồn: HNX

FE Credit lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2022

Theo một báo cáo nghiên cứu phân tích doanh nghiệp do VNDirect công bố mới đây, kết quả kinh doanh năm 2022 của FE Credit dưới kỳ vọng do nợ xấu nhảy vọt. FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng trong 2022.

VNDirect ước tính dư nợ cho vay của FE Credit giảm 2.7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3.4% khi tính khoản cho vay 4,570 tỷ đồng mà FE Credit đã bán cho ngân hàng mẹ.

Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1.5% so với cùng kỳ lên 16.7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và dự phòng lại tăng đáng kể lần lượt 28% và 23%, khiến FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng năm 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13.6% vào cuối 2021 lên 20.4% vào cuối 2022.

Về triển vọng kết quả kinh doanh trong năm 2023, VNDirect dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế gần 700 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành tài chính tiêu dùng

Nhận định về số lỗ hơn 3.000 tỷ đồng của FE Credit trong năm 2022, trong một báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty chứng khoán VCBS cho rằng số lỗ 3.121 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu tại quý 4/2022 đạt 21,8% (so với 14,1% cuối năm 2021) và hiện đang là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.

Việc số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE Credit cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.

Trích lập dự phòng hợp nhất tăng lên 22.461 tỷ đồng, + 18%, trong đó chi phí dự phòng của FE Credit tăng mạnh, đạt 13.681 tỷ đồng + 20%, trong năm 2022. Tính riêng trong quý 4, ngân hàng VPB đã phải trích lập 7.300 tỷ đồng, +36%, chủ yếu là do nợ xấu tại FE Credit tăng mạnh vào thời điểm cuối năm.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của FE Credit, VCBS cho biết, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 21,8% cùng tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng vọt từ 8,7% lên 13,2% khiến cho triển vọng hồi phục kinh doanh năm 2023 của công ty không quá khả quan.

"Chúng tôi cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tập khách hàng trọng tâm của FE là lâu dài hơn phân khúc khách hàng khác, do đó tỉ lệ nợ xấu của VPB có khả năng sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2023 dẫn đến áp lực tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao", VCBS nhận định.

FE Credit từng dính “tai tiếng” đòi nợ khiến khách hàng tự tử

Vào năm 2020, liên quan đến vụ việc đòi nợ của Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Văn phòng Chính phủ đã thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tới UBND TP.HCM, trong đó nêu rõ, báo điện tử ngaynay.vn đã đăng tải bài viết "Trả nợ cho Fe Credit bằng cách tìm cái chết" và “Đòi nợ kiểu bất lương, có dấu hiệu bắt cóc con nợ”.

Trong vụ việc này có ông L.T.T (trú tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) vay tiền của Fe Credit, bị đối tượng côn đồ đe doạ, hành hung. Sau đó, ông T. đã tự tử vào ngày 21/6.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình khi đó yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin trên, nếu đúng thì phải xử lý nghiêm và gửi báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 10/7.

Về phía Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng nhà nước (NHNN), sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan này cho biết đã ban hành 2 công văn trong ngày 29/6.

Nội dung công văn yêu cầu FE Credit phải khẩn trương rà soát toàn bộ các quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ; các thỏa thuận với các đối tác về thu nợ, bán nợ để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với FE Credit, cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN yêu cầu phải chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng của, trong đó bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng; theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ; thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của FE Credit với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.

“Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của FE Credit”, cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN yêu cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giữa cơn bão khám xét các công ty tài chính, nhìn sang FE Credit, ông lớn nhiều "tai tiếng" và có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO