Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá đây là hoạt động bình thường

Minh Trang | 11:11 08/12/2022

TS. Lê Duy Bình cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua là hoạt động bình thường. Điều đó chứng tỏ kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn có triển vọng tốt.

Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá đây là hoạt động bình thường
Chuyên gia cho rằng không đáng lo ngại nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp nội. (Ảnh: Int)

Triển vọng thị trường Việt Nam

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 216 tài khoản, tăng 24% so với tháng trước đó. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới của khối ngoại có sự gia tăng. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 199 tài khoản trong khi tổ chức nước ngoài mở mới 17 tài khoản trong tháng 11.

Thời điểm 30/11/2022, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.458 tài khoản.

Sự gia tăng mở tài khoản của khối ngoại phù hợp với giao dịch của nhóm này trong thời gian vừa qua. Khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong tháng, với tổng giá trị mua ròng đạt 16,9 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018.

Trong đó, nhà đầu tư từ Thái Lan và Đài Loan gom mạnh nhất cổ phiếu từ đầu tháng 11, tập trung vào HPG, STB, GAS, VIC, VHM, CTG…

Riêng trong 3 phiên giao dịch đầu tuần 15-17/11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 1.400 tỷ đồng trên HoSE. Bên cạnh động thái mua gom mạnh tay của nhà đầu tư Thái Lan qua kênh DR, dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang “ồ ạt” chảy vào chứng khoán Việt Nam.

Theo dữ liệu từ MarketTimes, Fubon FTSE Vietnam ETF (thuộc tập đoàn tài chính Fubon Financial Holdings). Tập đoàn này rót vốn vào Việt Nam từ tháng 3/2021. Cho đến nay, đây là tổ chức ETF chưa bị rút vốn trong 1 tháng từ đầu năm. Hiện tổng giá trị dòng vốn vào Việt Nam 385,8 triệu USD (9.000 tỷ đồng) đang dẫn đầu toàn thị trường. Tại thời điểm 8/11, giá trị tài sản ròng của Fubon ETF đạt hơn 16 tỷ TWD (500 triệu USD) trong đó danh mục cổ phiếu chiếm 98,5%... Ông Yang Yining là giám đốc đầu tư Fubon Vietnam ETF.

Một nhà đầu tư khác là CTBC Vietnam Equity Fund (Đài Loan), tham gia đầu tư vào TTCK Việt Nam từ năm 2020. Tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tài sản của CTBC Vietnam Equity lên đến 18,3 tỷ TWD (567 triệu USD). Ngoài chứng chỉ quỹ Diamond ETF, các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ còn có MBB, MWG, FPT, HPG, VHM,...

Jih Sun Vietnam Opportunity Fund “tân binh” đến từ Đài Loan (Trung Quốc) huy động vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam từ khoảng tháng 1/2022. Jih Sun Vietnam sẽ giải ngân 50% tài sản vào các cổ phiếu niêm yết hoặc các chứng chỉ lưu ký nước ngoài và tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam không thấp hơn 70%. Danh mục đầu tư của quỹ phân bổ vào nhiều ngành như vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... với các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn như GMD, GAS, DGW, CTG, VCB,...

ts.-le-duy-binh.jpg
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam.

Trước những thông tin liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài liên tục rót ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bình luận về vấn đề này, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho biết: việc khối ngoại mua ròng mạnh là chuyện bình thường, đây là khẩu vị của các nhà đầu tư.

Mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị khác nhau, có những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, tính toán và chiến lược đầu tư khác, nên hành xử trên thị trường khác nhau. Như vậy cho thấy nhà đầu tư đang đánh giá tốt về triển vọng thị trường Việt Nam nên họ quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam.

“Chính vì thế họ xuống tiền mua tài sản tài chính, vật chất… coi là thời điểm tốt để đầu tư, thể hiện khối ngoại vẫn tin vào thị trường Việt Nam trong trung và dài hạn”, TS. Lê Duy Bình nói.

Không lo ngại thâu tóm

Dư luận lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thâu tóm doanh nghiệp Việt trong bối cảnh dòng tiền đang khan hiếm, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, TS. Lê Duy Bình cho biết: các hoạt động mua bán doanh nghiệp hoặc mua cổ phiếu chưa khẳng định được là thâu tóm. Bởi dễn biến tài chính và kinh tế vĩ mô của Việt Nam bị ảnh hưởng của toàn cầu. Những khó khăn rủi ro của thị trường vẫn diễn ra. Từ đó mình không khẳng định hoạt động thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài.

Trước đó, tại cuộc Diễn đàn mua bán sáp nhập (M&A) mới diễn ra, Theo nghiên cứu của EY Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có 4 thương vụ được M&A (năm 2021 là 7 thương vụ), tổng giá trị thương vụ giao dịch nửa đầu năm 2022 gần bằng cả năm 2021 (4,97 tỷ USD). Các thương vụ năm 2022 tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, logicstic, công nghệ giáo dục và tự động hoá kinh doanh.

Đánh giá về việc các doanh nghiệp nước ngoài M&A doanh nghiệp Việt, bên lề diễn đàn, một số chuyên gia cho rằng, việc bán tài sản của các doanh nghiệp hiện nay cũng không hề dễ. Doanh nghiệp có thể để cho các đối tác nước ngoài mua cổ phần, bán bớt tài sản, nhưng bản thân ngay những doanh nghiệp đó cũng hiểu luật chơi, nếu bán quá 50% thì người nước ngoài sẽ nắm quyền chi phối, nên họ có thể bán một phần nào đó để các đối tác nước ngoài không chi phối được.

Còn đối với tài sản hình thành trong tương lai chưa đầy đủ giấy tờ pháp lý, họ cũng không thể thực hiện bán được cho các đối tác nước ngoài. Sở dĩ, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án bất động sản ở Việt Nam đối với người nước ngoài rất khó khăn, đồng thời bị hạn chế bởi bởi tỷ lệ sở hữu. Do đó, để mua được các dự án, chỉ có con đường M&A.

“Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, việc các dự án bất động sản đang bị ách lại rà soát thủ tục pháp lý khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài không thể M&A được”, các chuyên gia bình luận.

Còn KPMG nhận định, thị trường M&A trong nước năm 2023-2024 cũng sẽ suy giảm do tình hình khó khăn chung của kinh tế toàn cầu tác động đến Việt Nam...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá đây là hoạt động bình thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO