Linda Yaccarino: ‘Con dê tế thần’ của Elon Musk và bài học cựu CEO Marissa Mayer của Yahoo phải đi dọn ‘rác’ cho những sai lầm của người tiền nhiệm

Băng Băng | 16:30 15/05/2023

“Thật dễ dàng để đổ lỗi cho phụ nữ khi mọi thứ thất bại", Phó giáo sư Jo Ellen Pozner của trường đại học Santa Clara nhận định.

Linda Yaccarino: ‘Con dê tế thần’ của Elon Musk và bài học cựu CEO Marissa Mayer của Yahoo phải đi dọn ‘rác’ cho những sai lầm của người tiền nhiệm

Con dê tế thần (Con dê thế tội hay Oan dương) là thuật ngữ chỉ về một con dê trong lễ tế của người Do Thái cổ được kể lại trong sách Lê Vi. Theo đó con dê này bị đuổi vào sa mạc để dâng hiến cho Azazel với ngụ ý là sẽ gánh hết mọi tội lỗi của con người trút lên đầu nó. Con dê này sẽ chịu tội thay cho người Do Thái nói riêng và nhân loại nói chung.

Vào năm 2012, cựu giám đốc cấp cao Maissa Mayer của Google đã trở thành CEO Yahoo, một quyết định đầy bất ngờ cho giới chuyên gia khi tập đoàn này đang bên bờ vực sụp đổ và cần một nhà lãnh đạo đủ tài ba để cứu vớt cả đế chế.

Bà Mayer chỉ trụ được vị trí này đúng 5 năm trước khi Yahoo bị sáp nhập vào Verizon với mức giá rẻ mạt 4,8 tỷ USD. Điều trớ trêu là Yahoo đã lung lay từ trước bởi hàng loạt những quyết định sai lầm của những người tiền nhiệm, nhưng chính CEO Mayer lại là người bị chỉ trích nhiều nhất.

“Thật dễ dàng để đổ lỗi cho phụ nữ khi mọi thứ thất bại. Mọi người vẫn bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt giới tính khi phán xét, qua đó khiến những nữ CEO gặp nhiều rủi ro hơn cho dù họ có đóng góp thế nào cho công ty đi chăng nữa”, Phó giáo sư Jo Ellen Pozner của trường đại học Santa Clara nhận định.

Cũng theo bà Pozner, việc tỷ phú Elon Musk bổ nhiệm Linda Yaccarino lên làm CEO Twitter mới cũng tương tự, khi nhà sáng lập Tesla đập đổ hầu như mọi thứ để rồi giao cho một nữ lãnh đạo đi “dọn rác” do chính bản thân mình tạo ra.

Cuối cùng nếu thành công thì là do tầm nhìn của Elon Musk, còn thất bại thì là do nữ CEO bất tài.

Bà Linda Yaccarino và tỷ phú Elon Musk

Bức tường kính

Theo tờ Fortune, việc Elon Musk bất ngờ từ bỏ chức vị CEO Twitter để nhường lại cho người bạn thân Linda Yaccarino khiến nhiều người bất ngờ, thế nhưng một số chuyên gia lại nhận định đây là nước đi chối bỏ trách nhiệm của vị tỷ phú nhà Tesla với thuật ngữ “bức tường kính” (Glass Cliff).

Thuật ngữ “bức tường kính” này ám chỉ một phụ nữ hoặc một cá nhân ở thế yếu được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng dễ bị chỉ trích nếu thất bại. Việc bổ nhiệm này về lý thuyết là thăng chức nhưng thực chất lại đặt người phụ nữ vào thế khó bởi tình thế khi đó đã quá “nát” để có thể lật ngược thế cờ.

“Câu chuyện ở đây là trông như phụ nữ chúng tôi được trao cơ hội thành công nhưng trong tình cảnh quá gian nan và dễ gặp chỉ trích khi mọi thứ đổ bể. Đây là trường hợp điển hình của ‘bức tường kính’, khi những tập đoàn bên bờ vực khủng hoảng thuê các nữ CEO để dọn đống rắc rối của những gã quản lý đầy kiêu ngạo và gia trưởng”, nhà tư vấn truyền thông Heidi N Moore than thở với Fortune.

Thật vậy, Elon Musk đã hoàn toàn đập nát Twitter kể từ khi hoàn thất thương vụ mua lại 44 tỷ USD. Mặc dù nhà sáng lập Tesla này cho biết Twitter đã có những dấu hiệu ổn định lại nhưng tương lai của mạng xã hội này lại quá mờ mịt và mất dần danh tiếng so với trước đây.

Chính bản thân Elon Musk đã phải thừa nhận rằng mình “mua hớ” hơn 20 tỷ USD cho Twitter. Ban đầu cũng chính vị tỷ phú này phải than thở Twitter có khả năng phá sản vì gánh khoản lãi vay khổng lồ vì Elon Musk nợ ngân hàng để hoàn tất thương vụ. Phần lớn tài sản của ông nằm ở dạng cổ phiếu Tesla chứ chẳng có tiền mặt.

Điều trớ trêu là trong khi Elon Musk mải mê với Twitter thì công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) mới là xu hướng mới của ngành. Thành công của ChatGPT từ OpenAI, doanh nghiệp được Elon Musk đồng sáng lập rồi bỏ rơi nay đã trở thành khối tài sản trị giá hàng chục tỷ USD dưới tay Microsoft.

Vậy là khi tốn đồng tiền mua hớ về một cục nợ thì dự án cũ lại thành công khiến Elon Musk phải nuối tiếc, để rồi giờ đây lên tiếng kêu họi tạm dừng phát triển AI vì “lợi ích của người dùng” nhưng lại đổ tiền phát triển công nghệ AI mới cho riêng mình.

Tồi tệ hơn, việc tổng mức vốn hóa Tesla bốc hơi 13 tỷ USD vì sự xao nhãng của Elon Musk càng khiến cổ đông tức giận muốn thay thế ông bằng giám đốc tài chính Zach Kirkhorn, người vốn điều hành hoạt động công ty hàng ngày chứ không phải nhà sáng lập.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia Moore cho rằng việc Elon Musk bổ nhiệm Yaccarino làm CEO nhưng vẫn chịu trách nhiệm phát triển công nghệ cũng như thiết kế sản phẩm ở Twitter sẽ tạo nên tình cảnh “một núi hai hổ” khi ông chủ này chưa chịu từ bỏ quyền kiểm soát cũng như giao phó công ty cho người quản lý mới.

Dê tế thần

Theo bà Moore, dù có làm CEO thì bà Yaccarino cũng khó lòng đảm bảo được với các doanh nghiệp quảng cáo về một Twitter ổn định, không có phát ngôn gây sốc hay gây ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.

“Tôi không thấy khả năng Elon Musk cho phép CEO mới có khoảng không gian để thể hiện khi ông ấy vẫn tham gia vào hoạt động hàng ngày của Twitter”, bà Moore cảnh báo.

Thay vì là một cơ hội, nhiều người cho rằng bà Yaccarino dễ trở thành “con dê tế thần” cho Elon Musk hơn vì đã có quá nhiều bài học lịch sử trước đây.

Năm 2019, CEO Sue Gove được bổ nhiệm điều hành Bed Bath & Beyond trong lúc mọi thứ đều đang rung chuyển và chẳng bao lâu sau công ty này phải ngừng hoạt động, mọi trách nhiệm bị đổ lên đầu bà Gove.

Thế rồi nữ CEO Heyward Donigan được bổ nhiệm lãnh đạo Rite Aid chỉ 1 năm sau khi hãng mất 50% tổng mức vốn hóa thị trường dù trước đó tình hình công ty đã khó khăn sẵn, và lại một lần nữa mọi trách nhiệm bị đổ lên đầu bà Donigan.

Nổi tiếng nhất thì là vụ của CEO Mayer tại Yahoo khi mọi người đều chỉ trích nữ doanh nhân này bất chấp bà có cố gắng ra sao hay ai mới là người đẩy Yahoo đến tình cảnh này trước khi Mayer lên nắm quyền.

Phó giáo sư Pozner cho biết Elon Musk đã tạo nên một mớ lộn xộn ở Twitter và vị tỷ phú này chẳng bao giờ thừa nhận sai lầm. Nhà sáng lập Tesla luôn đổ lỗi cho các doanh nghiệp không chịu quảng cáo gây ra tình trạng bất ổn này thay vì những động thái của bản thân như những phát ngôn liều lĩnh, việc sa thải hàng loạt thiếu thận trọng và chuyên nghiệp.

Tất nhiên Yaccarino vẫn có cơ hội để lật bàn nhưng là quá nhỏ, nhất là dưới sự kìm kẹp của Elon Musk, ông chủ vốn nổi tiếng tính khí thất thường. Chỉ một sai lầm nhỏ của vị CEO mới cũng có thể làm bùng nổ sự xung đột và gây rạn nứt nội bộ.

Cuối cùng, bà Pozner cho rằng việc bổ nhiệm một nữ CEO từ bên ngoài doanh nghiệp, không hiểu văn hóa nội bộ và nhân sự là cực kỳ thiếu trách nhiệm trong thời điểm nhân viên Twitter đang bàng hoàng.

“Lối suy nghĩ rằng nữ CEO sẽ nhận mọi tội lỗi và những người còn lại sẽ an toàn là một thứ hoàn toàn sai trái”, Phó giáo sư Pozner kết luận.

*Nguồn: Fortune

Bài liên quan

(0) Bình luận
Linda Yaccarino: ‘Con dê tế thần’ của Elon Musk và bài học cựu CEO Marissa Mayer của Yahoo phải đi dọn ‘rác’ cho những sai lầm của người tiền nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO