Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 vừa được công bố của 28 ngân hàng, tính đến ngày 31/03/2023, các nhà băng này đang có 274.131 nhân sự, giảm 1.062 nhân sự so với đầu năm. Đây là một hiện tượng hiếm khi xảy ra trong nhiều năm trở lại đây.
Ở góc nhìn của chuyên gia tư vấn, đào tạo và tuyển dụng nhân sự, ông Vũ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Key Person, việc nhân sự giảm sâu ngay quý đầu năm chủ yếu có 4 lý do chính: 1) số liệu nhân sự trên báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy tổng nhân sự của 28 ngân hàng giảm xuống, trong khi ở báo cáo riêng lẻ các nhà băng vẫn đang tăng “quân số”; 2) việc sụt giảm chỉ chủ yếu nằm ở một số ngân hàng; 3) chưa đến mùa tuyển dụng; và 4) tình hình kinh tế chưa đủ tích cực để khiến các ngân hàng mở rộng quy mô và phần lớn chỉ là các yếu tố đột biến ngắn hạn.
Theo đó, mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất của các nhà băng cho thấy nhân sự đã giảm 1.062 người, song ở báo cáo riêng lẻ, số lượng nhân viên của các ngân hàng lại tăng thêm 358 người.
“Mặt khác, khi xem xét chi tiết, vẫn có những ngân hàng ghi nhận quy mô nhân sự tiếp tục tăng lên. Do đó, việc sụt giảm lượng nhân viên không phải là vấn đề của toàn bộ các ngân hàng”, ông Vũ Việt Dũng nhận định.
Ông nói thêm, theo BCTC hợp nhất quý I/2023 tổng nhân sự các ngân hàng sụt giảm chủ yếu do một số ngân hàng lớn giảm mạnh quân số. Trong đó, VPBank giảm nhiều nhất (giảm 956 người) và đóng góp phần lớn vào sự thu hẹp quy mô nhân sự của các ngân hàng. Nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, VPBank chỉ giảm 167 người, điều này đồng nghĩa với việc phần lớn nhân sự sụt giảm chủ yếu nằm ở các công ty con. Hiện tượng này có thể do trong kỳ, ngân hàng tiến hành tái cơ cấu lại các đơn vị thành viên sau quá trình mua bán sáp nhập.
Mặt khác, trong quý I/2023, ông lớn Vietcombank lại ghi nhận số lượng nhân sự tăng đến 263 người. Toàn bộ lượng nhân sự tuyển dụng thêm đều thuộc về ngân hàng mẹ.
Hay Nam A Bank lại bất ngờ ghi nhận tăng 247 nhân sự ở riêng ngân hàng mẹ và 3 nhân sự ở các công ty con. Điều này đang phần nào phản ánh kết quả của việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc ngay từ đầu năm của nhà băng này. Theo kế hoạch được công bố hồi đầu năm nay, Nam Á Bank đang định tuyển gần 600 nhân sự cho hơn 30 điểm giao dịch mở mới với nhiều vị trí khác nhau trên khắp cả nước.
Xu hướng này cũng đang diễn ra tại một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như Viet Capital Bank, OCB, LPBank,...
Hoặc như Eximbank, sau một thời gian dài lục đục nội bộ, hồi đầu năm 2023 cổ đông ngân hàng này cuối cùng cũng bắt đầu tìm được tiếng nói chung. Nhiều hoạt động, đặc biệt là công tác nhân sự đã bắt đầu có tín hiệu tích cực hơn, “quân số” ngân hàng cũng đã quay lại với đà tăng trưởng dương.
Lý do nữa là quý I trùng với dịp Tết Nguyên đán, đồng thời các nhà băng chưa chốt kết hoạch kinh doanh năm mới. Mặt khác, sau khi nhận thưởng tết các banker sẽ có khuynh hướng “nhảy ngân hàng”, thị trường cũng chưa có sự ổn định. Do đó các nhà băng thường không đẩy mạnh tuyển dụng và tổng lượng nhân sự hiếm khi tăng mạnh trong khoảng thời gian này. Thị trường quý I cũng chỉ chủ yếu ghi nhận sự luân chuyển nhân viên giữa các ngân hàng, do đó giai đoạn này thường được gọi là “mùa chuyển nhượng”.
Từ quý 2 trở đi, khi lượng sinh viên ra trường nhiều hơn, thị trường sẽ chính thức bước vào “mùa tuyển dụng”, lượng lao động tại các nhà băng cũng sẽ nhiều hơn. Đơn cử, một số ông lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank thường bắt đầu tuyển dụng mạnh từ quý II trở đi.
“Thu nhập lãi thuần (thu nhập từ hoạt động cho vay) hiện đang chiếm từ 50-70% tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm đang thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Việc tín dụng tăng trưởng cao chủ yếu do vấn đề khách quan thị trường là lãi suất cao, người dân và doanh nghiệp hạn chế đi vay. Với tình hình đó, các ngân hàng chưa thực sự sẵn sàng mở rộng quy mô nhân sự. Tuy nhiên, hiện tại các các quan điều hành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế tiếp cận với vốn tín dụng, hạ lãi suất,... Không ít tổ chức cũng dự báo nền kinh tế sẽ sớm phục hồi. Do đó, trong tương lai không xa, lượng nhân sự ở các ngân hàng sẽ quay trở lại với đà tăng trưởng”, ông Dũng đánh giá.
Chuyên gia nhân sự này nói thêm, về dài hạn nhân sự ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng đối với các banker cũng sẽ cao hơn.
Thị trường lao động ở các định chế huy động tiền gửi này sẽ chứng kiến sự “đổi ngôi” giữa các nhà băng. Theo đó, các ngân hàng đã ổn định về mạng lưới và công nghệ sẽ giảm tốc độ tuyển dụng, trong khi những nhà băng chưa phát triển sâu trong sẽ lại tăng cường chiêu mộ nhân tài.
Điều này cũng sẽ phần nào đó khiến các nhân sự ở các ngân hàng đã phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua, luân chuyển sang các nhà băng đang phát triển để tìm kiếm các cơ hội mới. Do đó, nhu cầu tuyển dụng thay thế và tuyển dụng mới sẽ vẫn tồn tại. Cánh cửa để các nhân sự gia nhập ngành ngân hàng vẫn luôn rộng mở.