Theo thống kê, có 33 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần 25– 29/9. Trong đó, 29 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp thực hiện quyền mua và 1 doanh nghiệp phát hành thêm trong tuần này.
Trong số các doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt tuần này, có đến 7 doanh nghiệp trả cổ tức trên 20%, cao nhất là 150% và thấp nhất là 1,5%.
CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long (HLB – UPCoM) thông báo, ngày 28/9 tới sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ lên tới 150%.
Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 15.000 đồng và với 3,09 triệu cổ phiếu hiện đang lưu hành, Công ty sẽ chi tương ứng 46,53 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 27/9 và thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 16/10/2023.
Nhìn lại lịch sử, HLB không phải cái tên xa lạ trong top doanh nghiệp chi cổ tức tiền mặt “khủng”. Trong giai đoạn 2014- 2018, công ty đều đặn chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông,năm 2016 với tỷ lệ 60%, năm 2017 là 70%, thậm chí năm 2018 lên đến 200%.
Ngày 29/9 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để CTCP PVI (mã PVI) chi trả cổ tức năm 2022 toàn bộ bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%. Con số này cao hơn kế hoạch 25% đề ra.
Đây là năm thứ 8 liên tiếp chi trả cổ tức ở mức cao hơn 20%. Tổng giá trị cổ tức chi trả là 702 tỷ đồng.
Hai cổ đông lớn nhất của PVI gồm HDI Global SE và PVN sẽ nhận về số tiền lớn nhất. Với tỷ lệ 35%, cổ đông nhà nước nhận về gần 246 tỷ đồng.
Ngày 29/9 tới đây, Tổng Công ty IDICO – CTCP (mã IDC) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Ngày dự kiến thanh toàn vào 13/10/2023.
Với gần 330 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, ước tính IDC sẽ cần chi khoảng 660 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông đợt này. Cơ cấu cổ đông của IDC ghi nhận Công ty Cổ phần Tập đoàn S.S.G nắm hơn 74 triệu cổ phần (tỷ lệ 22,5% vốn) và Sản xuất và Thương mại Bách Việt nắm 39 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,9% vốn). Hai tổ chức trên sẽ lần lượt nhận về khoảng 148 tỷ đồng và 79 tỷ đồng tiền cổ tức trong đợt tạm ứng này.
CTCP Cảng Cát Lái (mã CLL) thông báo trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ thực hiện là 36,8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 3.680 đồng.
Với 34 triệu đơn vị CLL đang lưu hành, Cảng Cát Lái sẽ phải chi hơn 125 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Ngày đăng ký cuối cùng là 2/10/2023, thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 12/10/2023.
Tính đến ngày 30/06/2023, Cảng Cát Lái có 2 cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn với gần 8,72 triệu cp, tỷ lệ 25.64% và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong nắm giữ gần 7,5 triệu cp, tỷ lệ 22.06%. Theo đó, ở lần nhận cổ tức này, 2 cổ đông lớn nói trên sẽ thu về lần lượt 32 tỷ đồng và 27,6 tỷ đồng.
CTCP Dây cáp điện Việt Nam (mã CAV) thông báo ngày ĐKCC để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 bằng tiền. Cụ thể, CAV chốt ngày 2/10 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 40% (1 cổ phiếu nhận được 4.000 đồng).
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/9. Ngày thanh toán dự kiến là 20/10. Với hơn 57 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, doanh nghiệp dự kiến chi khoảng 230 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt này.
Với tỷ lệ chi trả cổ tức cao và ổn định, Cadivi được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” cho cổ đông trong suốt những năm qua. Giai đoạn 2018-2021, mức cổ tức duy trì 50% bằng tiền. Năm 2022, ĐHĐCĐ thường niên của CAV nhất trí tăng tỷ lệ cổ tức lên gấp đôi 100%. Sang năm 2023, cổ đông tiếp tục thông qua kế hoạch trả cổ tức ở mức 100%.