EVNFinace vừa công bố BCTC quý 3/2024, ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc so với cùng kỳ.
Theo đó, thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của công ty đem về 391,3 tỷ đồng, tăng 47,96% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu nhập từ việc cho vay khách hàng đem về cho EVNFinace 1.083 tỷ đồng, tăng 0,56%. Tuy nhiên, chi phí trả lãi tiền gửi của khách hàng lại giảm 14,76%, xuống 697,6 tỷ đồng, giúp thu nhập lãi thuần của công ty tài chính này tăng mạnh.
Trong kỳ, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lãi 2,9 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước không ghi nhận doanh thu; Hoạt động khác đem về 4,1 tỷ đồng tăng gần 5%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động dịch vụ báo lãi sụt giảm 33,6%, xuống 13,1 tỷ đồng. Trong khi, hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm lỗ gần 57%, xuống còn lỗ 16,4 tỷ đồng; Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại tăng lỗ 57,08%, lên lỗ 29,2 tỷ đồng.
Kết quả, EVNFinance ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 180 tỷ đồng, tăng 57,04% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, EVNFinace báo lãi sau thuế 430 tỷ đồng, tăng 56,17% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của EVNFinace đạt 51.447 tỷ đồng (tăng 4,5% so với đầu năm). Cho vay khách hàng tăng trưởng thêm 15% so với đầu năm đạt mức 38.588 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ xấu nội bảng của EVNFinace giảm mạnh so với đầu năm, xuống còn 294,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 32,31%. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) là 86 tỷ đồng, tăng 17,88%; Nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) là 153,1 tỷ đồng, giảm 8,53% và Nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) là 55,3 tỷ đồng, giảm 71,59%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của công ty tài chính này cũng giảm từ 1,3% hồi đầu năm, xuống 0,76% vào thời điểm cuối tháng 9/2024.
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn còn đó những “ái ngại” trong bức tranh tài chính của EVNFinance.
Cụ thể, trong BCTC soát xét bán niên 2024 của EVNFinance trước hàng loạt khoản vay có những điểm chung bất thường, kiểm toán nhấn mạnh các yếu tố có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của công ty tài chính này.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay khách hàng của EVNFinance ghi nhận hơn 37.968 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản và tăng 13% so với hồi đầu năm.
Cụ thể, Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (EY) nhấn mạnh rằng khoản Cho vay khách hàng và Góp vốn, đầu tư dài hạn của công ty có thể dẫn đến tính không chắc chắn của lợi ích kinh tế thu được trong tương lai của các khoản mục cho vay và đầu tư dài hạn khác.
Trong đó, đáng chú ý là công ty tài chính này có tới 24.901 tỷ đồng là khoản cho các nhóm khách hàng vay hoặc có cùng người đại diện hoặc cùng tòa nhà làm việc.
Ngoài ra, các khoản cho vay liên quan đến các dự án bất động sản chưa triển khai xây dựng tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính là 11.606,8 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
EVNFinance cũng có hơn 29.747 tỷ đồng là các khoản cho vay được định giá độc lập bởi một công ty thẩm định giá trong nhiều năm.
Trong danh mục cho vay khách hàng của EVNFinance bao gồm một số khoản cho vay khách hàng có đặc điểm là hơn 11.369 tỷ đồng là các khoản cho vay ngắn hạn góp vốn vào các hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai các dự án bất động sản dài hạn với tài sản bảo đảm là quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai.
Trái ngược với kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm, trên thị trường chứng khoán giá cổ phiếu EVF giảm mạnh so với đầu năm.
Cụ thể, kết phiên 14/10, giá cổ phiếu EVF ở mức 10.900 đồng/cổ phiếu, giảm 2,24% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh đạt hơn 2,6 triệu đơn vị.
Hiện, thị giá cổ phiếu EVF đang rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.
Cổ phiếu EVF chào năm mới 2024 ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu, như vậy tính đến kết phiên 24/10, thị giá cổ phiếu EVF đã “bốc hơi” 31,88%, tương ứng giảm 5.100 đồng/cổ phiếu.