Mới đây, từ FMT (Malaysia) dẫn lời Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof cho biết Malaysia sẽ xem xét lại các dự án năng lượng hạt nhân của mình như một nguồn năng lượng tiềm năng.
Ông Fadillah, người cũng đang giữ chức Bộ trưởng Bộ chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi nước trong Chính phủ Malaysia, cho biết Malaysia đang khám phá mọi giải pháp tiềm năng cho nhu cầu năng lượng của nước này khi mà nhu cầu ngày càng tăng do các yêu cầu công nghiệp hoá, mở rộng trung tâm dữ liệu và việc áp dụng mở rộng xe điện.
“Quyết định của chúng tôi về năng lượng hạt nhân sẽ dựa trên những phát hiện có căn cứ và sự hướng dẫn của các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh riêng của Malaysia”, lãnh đạo Chính phủ Malaysia nêu.
“Năng lượng hạt nhân, được công nhận trên toàn cầu là một trong những nguồn năng lượng sạch nhất, là một lựa chọn mà chúng tôi đang cân nhắc. Tại (Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu) COP28 của Liên Hợp Quốc, hơn 20 quốc gia đã cam kết tăng gấp ba sản lượng điện hạt nhân của họ, nhấn mạnh sự liên quan (về ích lợi - PV) của nó”, Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof nói.
Trước tình hình này, ông cho biết Malaysia đang nghiên cứu cẩn thận tính khả thi của việc đưa năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của mình.
Để đạt được mục đích này, Fadillah cho biết, Bộ của ông đã ủy quyền cho MyPower Corporation thực hiện các nghiên cứu, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hạt nhân Malaysia.
“Các nghiên cứu này tập trung vào công nghệ hạt nhân tiên tiến, các biện pháp an toàn, an ninh, khuôn khổ quản lý và sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là công chúng”, Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof nói thêm.
Ông cho biết: “Malaysia vẫn cam kết hoàn toàn đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Trọng tâm chính trong nỗ lực này là giảm phát thải carbon trong lĩnh vực năng lượng của chúng tôi, vì đây là một trong những lĩnh vực phát thải carbon lớn nhất”.
Malaysia đã quyết định hạt nhân là một những lựa chọn sản xuất điện
Hồi cuối tháng 11/2024, tờ Straits Times (Singapore) đưa tin Chính phủ Malaysia, sau khi thảo luận vào cuối tháng 11 về lộ trình hạt nhân do Hội đồng Năng lượng Quốc gia (MTN) đề xuất, đã quyết định rằng hạt nhân là "một trong những lựa chọn sản xuất điện" sau năm 2035.
“Bản thân Thủ tướng (Malaysia - PV) cũng muốn đẩy nhanh tiến trình này”, một quan chức cấp cao của Chính phủ Malaysia nói với Straits Times, đồng thời cho biết thêm rằng về các quy định do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đặt ra sẽ mất khoảng một thập kỷ để hoàn thành.
Đầu tháng 11/2024, một số bộ trưởng đã tiết lộ rằng Chính phủ Malaysia đang xem xét khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân.
Theo thỏa thuận Paris, Malaysia cam kết đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, cũng như giảm 45% cường độ carbon so với mức năm 2005 vào năm 2035.
Với những mục tiêu này, Malaysia có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa năng lượng hạt nhân trở thành một phần thiết yếu trong cơ cấu năng lượng.
Nhu cầu điện tăng đột biến, phần lớn là do sự phát triển bùng nổ của các trung tâm dữ liệu sử dụng nhiều tài nguyên. Công ty Điện Quốc gia Malaysia Tenaga đã nhận được đơn xin cung cấp từ các trung tâm dữ liệu vượt quá 11 gigawatt, hoặc hơn 40% công suất lắp đặt hiện có của toàn Bán đảo Malaysia.
Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 70% thành phần năng lượng của Malaysia. Theo Petra, công suất năng lượng tái tạo của Malaysia hiện đạt 28% lưới điện quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu tăng lên 31% vào năm 2025, 38% vào năm 2030 và lên tới 70% vào năm 2050.
Các nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra điện ổn định hơn so với năng lượng mặt trời cũng như đập thủy điện.